Suy dinh dưỡng là một tình trạng bệnh nghiêm trọng xảy ra khi chế độ ăn uống của trẻ không có đủ chất dinh dưỡng. Điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ cần phụ thuộc nhiều yếu tố. Cha mẹ cùng tìm hiểu ngay nhé.

Nguyên nhân suy dinh dưỡng ở trẻ em

Trẻ em sống trong môi trường không đảm bảo điều kiện sống dễ bị suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng ở trẻ em thường do tình trạng sức khỏe kéo dài dẫn đến chán ăn, làm gián đoạn tiêu hóa và tăng nhu cầu năng lượng của cơ thể. Ví dụ về các loại tình trạng này bao gồm ung thư ở trẻ em, bệnh tim bẩm sinh, xơ nang và bại não. Một số trẻ có thể bị suy dinh dưỡng do rối loạn ăn uống hoặc do tình trạng hành vi hoặc tâm lý khiến chúng tránh hoặc từ chối thức ăn.

Tình trạng suy dinh dưỡng cũng có thể xảy ra do chế độ ăn uống nghèo nàn của trẻ, đặc biệt là ở những đứa trẻ có môi trường sống phức tạp, không có sự chăm nom của cha mẹ, hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc bị bạo hành.

Các dấu hiệu và triệu chứng của suy dinh dưỡng

Các dấu hiệu suy dinh dưỡng thường gặp bao gồm:

  1. Trẻ không phát triển hoặc không tăng cân ở mức mong đợi
  2. Trẻ giảm cân bất thường từ 5% đến 10% trọng lượng cơ thể hoặc hơn trong 3 đến 6 tháng (Đây là một trong những dấu hiệu chính của suy dinh dưỡng)
  3. Trọng lượng cơ thể thấp, nhẹ so với tiêu chuẩn
  4. Trẻ thiếu quan tâm đến ăn uống
  5. Trẻ cảm thấy mệt mỏi mọi lúc
  6. Trẻ cảm thấy yếu đuối
  7. Trẻ bị ốm thường xuyên và mất nhiều thời gian để hồi phục
Trẻ em có chế độ ăn uống không đủ chất cũng dễ bị suy dinh dưỡng

Những lưu ý khi điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ

Suy dinh dưỡng ở trẻ em thường do chế độ ăn uống và trẻ mắc bệnh lý kéo dài. Khi bị bệnh, trẻ cần được điều trị tại bệnh viện nhưng không phải trong tất cả các trường hợp.

Cha mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện để bác sĩ thăm khám cụ thể và đưa ra phác đồ điều trị cụ thể. Quá trình điều trị cho trẻ có thể bao gồm:

  1. Thay đổi chế độ ăn uống, chẳng hạn như ăn thực phẩm giàu năng lượng và chất dinh dưỡng
  2. Áp dụng các biện pháp hỗ trợ cha mẹ giúp họ quản lý các yếu tố ảnh hưởng đến lượng dinh dưỡng của trẻ
  3. Điều trị cho bất kỳ bệnh lý y tế tiềm ẩn nào gây ra suy dinh dưỡng
  4. Bổ sung vitamin và khoáng chất
  5. Bổ sung dinh dưỡng năng lượng cao và protein (nếu các phương pháp điều trị khác không đủ)

Trẻ suy dinh dưỡng nặng cần được cho ăn và bù nước hết sức cẩn thận. Trẻ không thể áp dụng một chế độ ăn uống bình thường ngay lập tức và thông thường, trẻ sẽ cần được chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện. Sau khi hồi phục sức khỏe, trẻ có thể dần dần bắt đầu ăn một chế độ ăn bình thường và tiếp tục thực hiện các biện pháp điều trị ở nhà.

Điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ cần nhiều thời gian và công sức

Điều quan trọng là việc điều trị phải được theo dõi thường xuyên để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho trẻ. Các phép đo cân nặng và chiều cao sẽ được thực hiện và một đứa trẻ sẽ được chuyển đến các bệnh viện chuyên khoa nếu biểu hiện bệnh không cải thiện.

Phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ

Cách tốt nhất để ngăn ngừa suy dinh dưỡng là ăn uống lành mạnh, cân bằng. Trẻ cần ăn nhiều loại thực phẩm từ các nhóm thực phẩm chính, bao gồm:

  1. Nhiều trái cây và rau
  2. Ăn nhiều tinh bột như bánh mì, cơm, khoai tây, mì ống
  3. Sữa và thực phẩm từ sữa hoặc các chất thay thế không phải sữa
  4. Bổ sung protein từ thịt, cá, trứng và đậu

Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu trẻ có vấn đề sức khỏe khiến trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cao hơn hoặc trong quá trình điều trị, trẻ có những dấu hiệu bất thường mà cha mẹ không biết rõ.

Theo NHS.