Nhiễm trùng ngực là một tình trạng có thể khiến trẻ bị nguy hiểm và đe dọa tính mạng của trẻ. Cha mẹ cần chú ý các dấu hiệu dưới đây để xác định trẻ đã bị nhiễm trùng ngực hay không và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.

Nguyên nhân gây nhiễm trùng ngực

Nhiễm trùng ngực xảy ra khi trẻ bị nhiễm vi rút hoặc vi khuẩn. Nhiễm trùng ngực thường đến sau khi trẻ bị cảm lạnh hoặc cúm. Ngoài ra, tùy thuộc vào loại vi rút hoặc vi khuẩn, nhiễm trùng ngực cũng có thể do viêm phế quản hoặc viêm phổi gây ra.

Dấu hiệu trẻ bị nhiễm trùng ngực

Nhiễm trùng ngực là tình trạng nhiễm trùng phổi hoặc đường hô hấp lớn, có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Một số trẻ bị nhiễm trùng ngực ở mức độ nhẹ sẽ tự khỏi, nhưng một số khác có thể chuyển nặng và đe dọa tính mạng của trẻ.

Cảm lạnh có thể gây nhiễm trùng ngực cho trẻ nhỏ
Cảm lạnh có thể gây nhiễm trùng ngực cho trẻ nhỏ

Các triệu chứng chính là:

  1. Trẻ ho nhiều và có đờm màu xanh hoặc vàng
  2. Thở khò khè và khó thở
  3. Đau ngực hoặc khó chịu ở ngực
  4. Sốt cao
  5. Đau đầu
  6. Đau cơ bắp
  7. Mệt mỏi

Các triệu chứng này có thể gây khó chịu cho trẻ, nhưng chúng thường tự khỏi sau khoảng 7 đến 10 ngày. Bên cạnh đó, trẻ có thể ho có đờm kéo dài đến 3 tuần sau khi các triệu chứng khác chấm dứt.

Điều trị nhiễm trùng ngực

Tùy thuộc vào nguyên nhân của bệnh, bác sĩ sẽ thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị cụ thể cho trẻ. Nếu trẻ bị nhiễm trùng ngực do vi rút, bệnh thường tự khỏi sau vài tuần và thuốc kháng sinh sẽ không giúp ích gì.

Nếu trẻ bị nhiễm trùng ngực do vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh cho trẻ. Hãy đảm bảo rằng cha mẹ tuân thủ toàn bộ liệu trình theo chỉ định của bác sĩ, ngay cả khi trẻ bắt đầu cảm thấy tốt hơn.

Thuốc kháng sinh chỉ được sử dụng để điều trị nhiễm trùng ngực do vi khuẩn. Chúng không được sử dụng để điều trị nhiễm trùng ngực do vi rút, như cúm hoặc viêm phế quản do vi rút. Điều này là do thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với các trường hợp nhiễm virus.

Có thể cần phải xét nghiệm mẫu đờm để xác định chính xác nguyên nhân gây nhiễm trùng ngực ở trẻ. Cha mẹ hãy thực hiện xét nghiệm này nếu được bác sĩ yêu cầu.

Nên làm gì để giảm các triệu chứng của bệnh

Mật ong chanh có khả năng giảm các triệu chứng nhiễm trùng ngực
Mật ong chanh có khả năng giảm các triệu chứng nhiễm trùng ngực

Nếu trẻ bị nhiễm trùng ngực, cha mẹ hãy:

  1. Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều
  2. Cho trẻ uống nhiều nước để làm lỏng đờm và giúp trẻ dễ ho hơn
  3. Nâng cao đầu trẻ khi ngủ bằng cách sử dụng thêm gối để đường thở dễ dàng hơn và làm sạch dịch nhầy ở ngực
  4. Cho trẻ sử dụng thuốc giảm đau để hạ sốt, giảm đau đầu và đau cơ
  5. Uống nước chanh nóng và mật ong để giảm đau họng (không cho trẻ dưới 1 tuổi sử dụng cách làm này)

Bên cạnh đó, cha mẹ không nên:

  1. Không để trẻ hít phải hơi nước từ bát nước nóng vì có thể gây bỏng
  2. Không cho trẻ em dưới 16 tuổi uống aspirin
  3. Không dùng thuốc ho vì có rất ít bằng chứng cho thấy chúng có tác dụng
  4. Không hút thuốc và tiếp xúc với trẻ vì có thể làm cho các triệu chứng của trẻ tồi tệ hơn

Nhiễm trùng ngực khi nào gây nguy hiểm cho trẻ?

Cha mẹ nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ để được thăm khám nếu bệnh chuyển xấu
Cha mẹ nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ để được thăm khám nếu bệnh chuyển xấu

Nếu trẻ bị nhiễm trùng ngực và có các dấu hiệu kèm theo dưới đây, cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện để được thăm khám càng sớm càng tốt:

  1. Trẻ cảm thấy rất không khỏe hoặc các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn
  2. Trẻ ho ra máu hoặc đờm dính máu
  3. Trẻ đã bị ho hơn 3 tuần
  4. Hệ thống miễn dịch của trẻ yếu (do mắc bệnh nền khác hoặc đang chữa bệnh khác)
  5. Trẻ có một tình trạng sức khỏe lâu dài, chẳng hạn như bệnh tim, phổi hoặc thận

Làm thế nào để tránh lây lan nhiễm trùng ngực?

Để tránh lây nhiễm trùng ngực cho người khác:

  1. Hãy dạy trẻ che miệng khi ho hoặc hắt hơi
  2. Hãy dạy trẻ rửa tay thường xuyên
  3. Hãy vứt bỏ khăn giấy đã sử dụng của trẻ ngay lập tức

Làm thế nào để tránh bị nhiễm trùng ngực?

Một thói quen ăn uống khoa học lành mạnh, duy trì các hoạt động thể chất để giúp xây dựng hệ thống miễn dịch khỏe khoắn... là những việc cha mẹ nên duy trì hàng ngày cho trẻ.

Ngoài ra, cha mẹ có thể xin ý kiến của bác sĩ về việc tiêm vắc xin cúm và chủng ngừa phế cầu khuẩn (để ngăn ngừa nguy cơ bị viêm phổi) cho trẻ. Các biện pháp ngăn ngừa này giúp hạn chế nguy cơ nhiễm trùng ngực từ chính các bệnh gốc.

Theo NHS.