Nhận biết và phân loại tật nứt đốt sống để có biện pháp xử trí đúng cách cho trẻ
Nứt đốt sống là khi cột sống và tủy sống của em bé không phát triển đúng cách khi còn trong bụng mẹ, gây ra khoảng trống trên cột sống trẻ. Có những loại nứt đốt sống nào? Biện pháp xử trí khi trẻ bị bệnh như thế nào? Cùng đi tìm lời giải ngay cha mẹ nhé.
Nguyên nhân của tật nứt đốt sống
Nứt đốt sống là một dạng dị tật của ống thần kinh. Ống thần kinh là cấu trúc cuối cùng phát triển thành não và tủy sống của em bé. Ống thần kinh bắt đầu hình thành trong giai đoạn đầu của thai kỳ và đóng lại khoảng 4 tuần sau khi thụ thai.
Khi trẻ bị tật nứt đốt sống, một phần của ống thần kinh không phát triển hoặc đóng lại đúng cách, dẫn đến các khuyết tật trong tủy sống và xương của cột sống (đốt sống).
Nguyên nhân chính xác của tật nứt đốt sống vẫn chưa rõ ràng, nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này ở em bé, bao gồm:
- Mẹ bầu có lượng axit folic thấp hoặc thiết axit folic trước và trong khi mang thai
- Trẻ có tiền sử gia đình bị nứt đốt sống
- Mẹ bầu dùng một số loại thuốc như axit valproic (được sử dụng để ngăn ngừa co giật) trong thời kỳ mang thai
Các triệu chứng của bệnh nứt đốt sống
Hầu hết những người bị nứt đốt sống đều có thể phẫu thuật để đóng lỗ hở ở cột sống. Nhưng hệ thống thần kinh thường đã bị tổn thương, có thể dẫn đến các triệu chứng chính của bệnh như:
- Yếu hoặc liệt toàn bộ chân
- Đại và tiểu tiện không tự chủ
- Trẻ mất cảm giác da ở chân và xung quanh mông – trẻ không thể cảm thấy nóng hoặc lạnh, có thể dẫn đến chấn thương do tai nạn
- Nhiều trẻ sơ sinh sẽ bị hoặc phát triển bệnh não úng thủy (một dạng tích tụ chất lỏng trên não), có thể làm tổn thương não thêm.
Hầu hết những người bị nứt đốt sống có trí thông minh bình thường, nhưng một số lại gặp khó khăn trong học tập
Nhận biết và phân loại tật nứt đốt sống
Có một số loại nứt đốt sống khác nhau, bao gồm:
Myelomeningocele – loại nứt đốt sống nghiêm trọng nhất. Cột sống của em bé vẫn mở dọc theo đốt sống ở phía sau, cho phép tủy sống và các màng bảo vệ xung quanh đẩy ra ngoài và tạo thành một túi ở lưng em bé
Meningocele – một loại nứt đốt sống nghiêm trọng khác, nơi các màng bảo vệ xung quanh tủy sống bị đẩy ra ngoài cột sống. Trong trường hợp này, tủy sống thường phát triển bình thường nên phẫu thuật có thể được áp dụng để loại bỏ màng mà không làm tổn thương dây thần kinh
Nứt đốt sống bí ẩn – loại nứt đốt sống phổ biến nhất và nhẹ nhất. Khi mắc loại bệnh này, trẻ sẽ có 1 hoặc nhiều đốt sống hình thành không đúng cách, nhưng khoảng trống giữa cột sống rất nhỏ. Nứt đốt sống bí ẩn thường không gây ra bất kỳ vấn đề gì và hầu hết mọi người không biết mình mắc bệnh
Xử trí đúng cách với từng phân loại nứt đốt sống
Điều trị các triệu chứng hoặc tình trạng liên quan đến tật nứt đốt sống có thể áp dụng các phương pháp sau:
- Phẫu thuật ngay sau khi sinh để đóng lỗ hở ở cột sống và điều trị não úng thủy
- Các liệu pháp giúp cuộc sống hàng ngày dễ dàng hơn và cải thiện tính độc lập của trẻ, chẳng hạn như vật lý trị liệu và liệu pháp vận động
- Lắp đặt thiết bị trợ giúp và thiết bị di chuyển, chẳng hạn như xe lăn hoặc dụng cụ hỗ trợ đi bộ
- Điều trị các vấn đề về ruột và tiết niệu
Với việc điều trị và hỗ trợ đúng cách, nhiều trẻ em bị nứt đốt sống có thể sống tốt khi trưởng thành. Tuy vậy, việc sống chung với bệnh có thể mang lại nhiều bất lợi và khó khăn trong các hoạt động thường nhật cho trẻ.
Ngăn ngừa nứt đốt sống
Cách tốt nhất để ngăn ngừa tật nứt đốt sống cho trẻ là mẹ bầu phải bổ sung đầy đủ axit folic trước và trong khi mang thai. Mẹ nên uống một viên axit folic 400 microgram mỗi ngày khi đang cố gắng mang thai và cho đến khi mang thai được 12 tuần.
Nếu mẹ không bổ sung axit folic trước khi thụ thai, mẹ nên bắt đầu ngay khi phát hiện mình có thai. Thuốc viên axit folic có bán ở các hiệu thuốc và siêu thị, hoặc bác sĩ sản khoa có thể kê đơn cho mẹ.
Mẹ cũng nên cố gắng ăn nhiều các loại thực phẩm có chứa folate (dạng tự nhiên của axit folic), chẳng hạn như bông cải xanh (súp lơ), rau bina và đậu xanh cùng các thực phẩm có chứa axit folic khác.
Nứt đốt sống thường được phát hiện trong quá trình quét dị tật giữa thai kỳ. Vì vậy, mẹ bầu từ 18 đến 21 tuần của thai kỳ nên thực hiện đầy đủ các xét nghiệm kiểm tra để xác định nguy cơ mắc bệnh của thai nhi và tìm phương án điều trị sớm.
Sau khi em bé được sinh ra, một số xét nghiệm có thể được thực hiện để tìm ra mức độ của bệnh và giúp quyết định phương pháp điều trị nào có thể là lựa chọn tốt nhất dành cho trẻ.
Theo NHS.