Mang thai quá 39 tuần mẹ có cần lo?
Thai 39 tuần tuổi là thời điểm cục cưng đã thực sự sẵn sàng đến với thế giới rộng lớn bên ngoài bụng mẹ. Chắc hẳn mẹ đang rất nóng lòng gặp mặt con yêu đúng không? Cũng vì lẽ này, khi thai 39 tuần chưa có dấu hiệu sinh, nhiều mẹ lại cuống cuồng lo lắng, nhất là các mẹ sinh con lần đầu. Vì theo kinh nghiệm của nhiều mẹ, sinh con so thường sớm hơn 7-10 ngày so với ngày dự sinh.
Thai 39 tuần chưa có dấu hiệu sinh
Ở tuần thai 39, bé cưng gần như đã hoàn thiện các cơ quan trong cơ thể. Bé đã có thể thở bằng phổi. Cân nặng của thai nhi ở giai đoạn này khoảng 2,8-3kg, với chiều dài khoảng 40-50cm. Nếu sinh sớm, mẹ có thể vượt cạn trong tuần này. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều mẹ mang thai 39 tuần nhưng không hề xuất hiện một dấu hiệu chuyển dạ nào cả.
Dự đoán sai ngày sự sinh có thể là một trong những nguyên nhân. Thực tế, chỉ 5% phụ nữ mang thai có thể sinh con đúng ngày. Còn lại hầu hết đều sinh sớm hoặc muộn hơn 1-2 tuần. Theo các chuyên gia, ngày dự sinh chỉ mang tính tham khảo để mẹ và gia đình chuẩn bị tinh thần.
Ngoài ra, thai 39 tuần chưa có dấu hiệu sinh cũng có thể do bé cưng chưa di chuyển xuống khung chậu. Thông thường, để chuẩn bị cho quá trình chào đời diễn ra dễ dàng hơn, trước khi sinh 1-2 tuần, thai nhi sẽ di chuyển xuống khung chậu. Tuy nhiên, nếu cơ bụng dưới của mẹ bầu vẫn đủ không gian thoải mái, bé cưng vẫn sẽ muốn ở lâu hơn một chút.
Dấu hiệu sắp sinh trước 1 tuần
Trước ngày sinh 1 tuần, cơ thể mẹ bầu sẽ có một số sự thay đổi đáng kể, dự báo ngày chào đời của bé cưng đang cận kề. Mẹ nên đặc biệt lưu ý để chuẩn bị tốt nhất cho hành trình vượt cạn sắp tới.
Bụng bầu tụt xuống: Để quá trình chào đời tốt hơn, vào tuần cuối trước khi sinh, thai nhi sẽ di chuyển xuống khung chậu. Điều này sẽ làm bụng bầu sa xuống. Đến nỗi, nhiều mẹ có cảm giác thai nhi có thể chui ra ngoài bất cứ lúc nào.
Cổ tử cung mở: Gần tới ngày sinh, “cô bé” sẽ tiết dịch nhầy nhiều hơn làm cổ tử cung mềm và mở rộng hơn. Hơn nữa, nút nhầy bịt kín cổ tử cung cũng sẽ bong ra. Bầu có thể thấy một lớp dịch nhầy màu vàng nhạt hoặc đỏ ở trong quần lót. Hiện tượng này được gọi là “máu báo”, một trong những dấu hiệu sắp sinh điển hình nhất.
Đau lưng: Để quá trình chào đời của bé diễn ra dễ dàng hơn, trước khi sinh 1-2 tuần, mẹ bầu sẽ nhận thấy cơ, khớp xương ở vùng lưng, háng bị kéo căng, dẫn đến những cơn đau nhức.
Tiêu chảy: Do sự ảnh hưởng của các loại hormone cuối thai kỳ, hệ tiêu hóa của mẹ bầu bị ảnh hưởng dẫn đến tiêu chảy.
Giảm cân: Trong những tuần cuối, cân nặng của bà bầu có xu hướng tăng nhẹ, sau đó ngưng, thậm chí giảm cân. Nguyên nhân có thể do sự sụt giảm nước ối.
Thai 41 tuần chưa chuyển dạ: Cẩn thận rủi ro!
Một thai kỳ bình thường sẽ kéo dài 40 tuần. Sau đó, nhau thai sẽ bắt đầu già đi, dẫn đến không ít ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. So với trẻ sinh đủ ngày tháng, trẻ sinh quá ngày có nguy cơ mắc bệnh hô hấp, nhiễm trùng cao hơn.
Nếu không phát hiện và xử lý kịp thời, thai quá ngày có thể chết lưu, hoặc tử vong trong quá trình chuyển dạ do lượng nước ối giảm, dẫn đến dây rốn bị chèn ép mỗi khi cơn gò tử cung xuất hiện. Để tránh ảnh hưởng xấu cho mẹ và bé, các chuyên gia khuyến cáo mẹ bầu quá ngày dự sinh 1 tuần nên ở lại bệnh viện theo dõi.
Tóm lại, nếu thai 39 tuần chưa có dấu hiệu sinh, mẹ cũng không cần quá lo lắng. Có thể chỉ là do bé cưng chưa thực sự sẵn sàng cho thế giới bên ngoài. Tùy theo cơ địa của mẹ và mức độ phát triển của bé cưng trong bụng, thời gian xuất hiện dấu hiệu chuyển dạ có thể lệch 1-2 tuần so với dự tính. Nếu sau thời gian này vẫn chưa có bất kỳ “động tĩnh” gì, bác sĩ có thể chỉ định mổ lấy thai hoặc áp dụng các phương pháp giục sinh.