Mất nước là hiện tượng mà trẻ nhỏ và người già dễ mắc phải. Tìm hiểu các thông tin về mất nước và làm thế nào để phòng ngừa và điều trị mất nước ở trẻ nhỏ cùng chuyên gia ngay cha mẹ nhé.

Các dấu hiệu cho thấy trẻ bị mất nước

Các triệu chứng mất nước ở người lớn và trẻ em bao gồm:

- Cảm thấy khát nước dù vừa uống nước

- Nước tiểu màu vàng sẫm và có mùi hôi

- Cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng

- Cảm thấy mệt

- Khô miệng, môi và mắt

- Đi tiểu ít và ít hơn 4 lần một ngày

Mất nước có thể dễ dàng xảy ra hơn nếu người bệnh có sẵn một hoặc nhiều bệnh lý nền hay các trạng thái cơ thể khác như:

- Bệnh tiểu đường

- Nôn mửa hoặc tiêu chảy

- Phơi nắng quá lâu (say nắng)

- Uống quá nhiều rượu

- Đổ mồ hôi quá nhiều sau khi tập thể dục

- Bị sốt với nhiệt độ cơ thể cao từ 38°C trở lên

- Đang dùng thuốc điều trị một bệnh nào đó khiến cơ thể đi tiểu nhiều hơn (thuốc lợi tiểu)

Làm thế nào để phòng ngừa mất nước ở trẻ nhỏ

Nước rất quan trọng với cơ thể mỗi người. Hơn 70% cơ thể con người là nước. Và vì vậy, dù ở bất cứ lứa tuổi nào, thực hiện các biện pháp phòng ngừa mất nước nhất là với trẻ nhỏ cần được coi trọng:

- Bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể kể cả khi không cảm thấy có bất kỳ triệu chứng mất nước nào.

- Nếu trẻ cảm thấy khó uống nước vì cảm thấy buồn nôn hoặc đã bị ốm, hãy bắt đầu tập thói quen uống nước cho trẻ với từng ngụm nhỏ rồi tăng dần dần thể tích.

- Cha mẹ có thể dùng thìa để trẻ nuốt chất lỏng dễ dàng hơn.

- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên uống đủ nước trong ngày để nước tiểu có màu trong, nhạt.

- Uống khi có nguy cơ mất nước cao hơn. Ví dụ, nếu trẻ đang nôn mửa, đổ mồ hôi hoặc bị tiêu chảy.

Làm thế nào để điều trị mất nước ở trẻ nhỏ

Trẻ nhỏ rất khó có thể tự biết bổ sung nước hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ của cha mẹ hoặc người thân để điều trị mất nước. Vai trò của cha mẹ, người lớn trong nhà và người chăm sóc là đặc biệt quan trọng để hạn chế tình trạng không mong muốn này.

Cha mẹ nên trao đổi với bác sĩ và lập biểu đồ theo dõi chế độ ăn uống của trẻ. Không chỉ quan tâm tới thành phần dinh dưỡng, lượng nước của trẻ cũng cần đảm bảo đủ tiêu chuẩn.

Đảm bảo rằng trẻ uống nước thường xuyên, coi đây là một thói quen thường nhật, cung cấp cho trẻ các loại thức ăn có hàm lượng nước cao, ví dụ như súp, kem, thạch hoặc trái cây như các loại dưa, các loại quả mọng...

Nếu trẻ đang bị ốm hoặc bị tiêu chảy và mất quá nhiều nước, cha mẹ cần liên hệ với bác sĩ và phải cung cấp lại lượng đường, muối và khoáng chất mà cơ thể trẻ đã mất.

Bác sĩ của trẻ có thể giới thiệu các gói bù nước uống phù hợp với độ tuổi của trẻ. Đây là những loại thuốc dạng bột mà cha mẹ pha với nước và sau đó cho trẻ uống. Hãy tuân thủ liều lượng mà bác sĩ đã kê để đảm bảo an toàn cho trẻ. Và bất cứ khi nào có dấu hiệu nguy hiểm, cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay lập tức để được thăm khám.

Theo NHS.