Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z, cha mẹ đừng bỏ lỡ!
Chăm sóc trẻ sơ sinh chưa từng là dễ dàng đối với các ông bố bà mẹ dù cả hai đều đã có kinh nghiệm từ trước, và tất nhiên sẽ cực kỳ khó khăn và gây nhiều bối rối đối với các bậc phụ huynh lần đầu làm cha mẹ. Nhưng bố mẹ đừng lo, MamanBébé sẽ cung cấp cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z ngay trong bài viết này.
1. Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh: Theo dõi thân nhiệt và hệ hô hấp cho bé
Đối với thân nhiệt của trẻ
Thông thường, nhiệt độ cặp nách của trẻ sơ sinh nằm trong khoảng 36.5 - 37.2 độ C. Nếu thân nhiệt của bé nằm ngoài khoảng này thì bố mẹ cần thay đổi nhiệt độ môi trường bên ngoài hoặc chỉnh sửa quần áo cho trẻ:
- Thân nhiệt của bé cao trên 37,5 độ C: Cần nới lỏng quần áo của trẻ, không quấn khăn quá chật cho bé, đặt bé nằm ở nơi thoáng mát, cởi tạm thời tất tay, chân.
- Thân nhiệt của bé dưới 36 độ C: Lúc này bé đang bị lạnh, cần ủ thêm chăn ấm cho trẻ, đi tất tay, tất chân, tránh gió lạnh cho trẻ.
Đối với hô hấp
Nhịp thở của trẻ sơ sinh thường dao động trong khoảng dưới 60 lần/phút.
Do vậy, nếu nhịp thở của bé trên hoặc bằng 60 lần/ phút được gọi là thở nhanh, hoặc chậm hơn khoảng này thì nhịp thở không đều, co thắt lồng ngực, thở khò khè thì các bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến trung tâm y tế chuyên khoa.
Đối với trẻ sinh non, sinh thiếu ngày thì thường có cơn ngừng thở ngắn dưới 15s nên nếu gặp tình huống này cha mẹ nên dùng phương pháp da kề da để kích thích cho bé thở. Trường hợp trẻ ngưng thở trên 15s hoặc liên tục thở ngắn, tím tái thì cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa.
2. Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh: Chăm sóc vệ sinh cho bé
Vệ sinh rơ miệng cho bé
Hằng ngày, các mẹ sẽ thấy cặn sữa còn dính trong miệng bé sau khi bé uống sữa xong. Vì vậy mẹ cần làm sạch rơ miệng này để đảm bảo vệ sinh cho bé, bằng cách:
- Mẹ cần rửa sạch tay.
- Chuẩn bị 1-2 miếng gạc và dung dịch rơ miệng cho bé.
- Bế hoặc đặt trẻ nằm trên mặt phẳng cố định.
- Quấn hoặc đeo gạc vệ sinh miệng vào ngón trỏ hoặc ngón út.
- Nhúng gạc vào nước muối sinh lý hoặc nước ấm sạch hoặc dung dịch rơ miệng cho trẻ sơ sinh.
- Nhẹ nhàng kéo môi dưới để mở miệng của bé.
- Lau xung quanh vòm miệng và massage phần nướu trước một cách nhẹ nhàng.
- Sau đó, đặt ngón tay vào trong phía gốc lưỡi rồi lau từ gốc lưỡi ra phía ngoài để làm sạch cặn sữa.
Chú ý: Mẹ không đưa ngón tay vào quá sâu trong miệng bé vì có thể khiến trẻ bị nôn hay trớ ngay lập tức, đồng thời không nên vệ sinh miệng bé khi con mới bú no.
Tuyệt đối không dùng mật ong để rơ miệng cho trẻ vì có thể khiến con bị ngộ độc Clostridium botulinum rất nguy hiểm.
Vệ sinh mắt cho bé
Tuy chưa tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài nhưng mắt của trẻ sơ sinh vẫn có lúc chứa ghèn, đặc biệt là khi bé mới ngủ dậy. Vậy nên các mẹ cần vệ sinh mắt cho trẻ thường xuyên vào mỗi sáng sau khi bé ngủ dậy hay trước hoặc sau khi tắm, với các bước:
- Mẹ cần rửa sạch tay.
- Chuẩn bị sẵn một ít gạc và nước ấm sạch.
- Nhúng 1 miếng gạc vào nước ấm rồi lau xung quanh mắt bé.
- Lấy miếng gạc mới, nhúng nước ấm rồi lau từ khóe mắt ra bên ngoài để làm sạch mắt.
- Dùng các miếng gạc riêng biệt cho mỗi bên mắt.
Vệ sinh tai cho trẻ sơ sinh
Để vệ sinh tai cho bé, mẹ có thể bằng tăm bông nhỏ thấm nước muối sinh lý hoặc nước ấm, làm sạch một cách nhẹ nhàng vành tai và lỗ tai của bé.
Vệ sinh mũi cho bé
Tình trạng dịch nhầy mũi đọng trong khoang mũi có thể là nguyên nhân khiến bé khó thở, thở khò khè hoặc hắt hơi… Do đó, bạn cần vệ sinh mũi cho con mỗi ngày theo các bước sau:
- Rửa sạch tay và chuẩn bị khăn sạch, nước ấm.
- Nhúng ướt khăn, vắt nhẹ, dùng một góc khăn nhẹ nhàng lau lỗ mũi của trẻ để làm sạch nước mũi.
- Mẹ có thể dùng nước ấm thường hoặc nước muối sinh lý để vệ sinh mũi cho bé vì da mặt của trẻ còn non nên rất nhạy cảm với xà phòng.
- Mẹ lưu ý không cho bất cứ dụng cụ nào, kể cả tăm bông để vệ sinh vì việc này có thể làm tổn thương lớp niêm mạc của mũi bé
- Cuối cùng, mẹ lau sạch vùng dưới cằm và cổ của bé.
3. Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh: Chăm sóc tóc và gội đầu cho bé
Đối với việc gội đầu cho trẻ sơ sinh, mẹ chỉ nên gội cho bé với loại dầu gội dành riêng cho trẻ trong tần suất 2-3 lần mỗi tuần. Tránh gội đầu cho bé mỗi ngày bởi sẽ rửa trôi các chất dầu tự nhiên trên da đầu trẻ, khiến da đầu con bị khô, tóc sẽ dễ gãy rụng.
Sau khi gội, mẹ dùng khăn cotton mềm thấm nhẹ, lau khô tóc cho bé. Nếu tóc bé dài và rối, mẹ nên dùng tay gỡ rối cho bé và sau đó dùng lược lông mềm chải tóc cho con. Việc chải tóc cho trẻ sơ sinh sẽ giúp thúc đẩy lưu thông máu, kích thích hệ thần kinh và giúp con thư giãn hơn.
Trên đầu bé có mảng đen như cứt trâu thì phải làm sao?
Đây là tình trạng thường xuyên xảy ra ở trẻ mới sinh, hay thường được dân gian gọi là “cứt trâu”.
Tuy nhiên, các bố mẹ không nên bóc hay cạo những lớp vảy này vì có thể làm tổn thương lớp da bên dưới, dẫn đến nguy cơ bị nhiễm trùng. Để loại bỏ lớp vảy này, mẹ có thể thoa một lớp vaseline (hoặc dầu dừa) lên vùng da đầu của trẻ trước khi tắm gội 30 phút, sau đó dùng khăn sữa mềm lau bỏ vảy trong lúc gội đầu cho trẻ.
4. Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh: Vệ sinh vùng kín và thay tã cho trẻ như thế nào?
Đây cũng là một trong những các bước chăm sóc trẻ sơ sinh quan trọng nhất, cần thực hiện cẩn thận và đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cho bé.
Các mẹ nên thay tã cho bé ngay sau khi bé tè đầy hay ị. Khi thay, phải vệ sinh sạch vùng hậu môn và bộ phận sinh dục của bé bằng khăn mềm và nước ấm theo hướng từ trước ra sau.
Với bé trai
- Trong 3-6 tháng đầu tiên, khi tắm cho bé, bạn không cần phải làm sạch phần bên trong bao quy đầu vì phần da này rất mềm, có thể khiến bé bị đau, trầy xước làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
- Nếu nhận thấy mỗi lần bé đi tiểu mà lượng nước tiểu chảy ra ít, da quy đầu căng phồng lên như bong bóng hay da quy đầu bị sưng, đỏ và ngứa cần đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa sớm. Bởi đây có thể là dấu hiệu cho thấy con bị hẹp bao quy đầu hay viêm.
Với bé gái
Cấu tạo vùng kín của bé gái khá đặc biệt nên rất dễ bị hăm đỏ, viêm nhiễm nên mẹ cần vệ sinh cho bé đúng cách, sạch sẽ.:
- Rửa tay sạch với xà phòng dịu nhẹ.
- Dùng khăn vải bông mềm, nhúng nước ấm, vắt nhẹ.
- Tách nhẹ môi âm hộ của bé, lau nhẹ nhàng từ trên xuống dưới, từ trước ra sau.
- Xả sạch khăn lau vùng xương mu.
- Xả sạch khăn, nhúng nước ấm, vắt nhẹ, lau tiếp vùng bụng dưới rốn, 2 bên bẹn.
- Dùng chiếc khăn khác, để lau vùng hậu môn và xung quanh.
5. Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh: Chăm sóc giấc ngủ cho trẻ sơ sinh
Chăm sóc giấc ngủ cho trẻ sơ sinh đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của bé. Trẻ sơ sinh cần ngủ nhiều để bảo toàn năng lượng để tăng trưởng và tiếp tục phát triển trí não. Tuy nhiên, do cũng chưa phân biệt được ngày đêm nên có những bé sẽ ngủ suốt vào ban ngày và thức giấc nhiều hơn vào ban đêm.
Vì vậy, cha mẹ nên tập thói quen ngủ ngoan cho bé ngay từ sáu tuần tuổi:
Ban ngày, khi bé còn thức cần:
- Chơi với bé càng nhiều càng tốt.
- Nói chuyện và hát cho bé nghe khi cho bú các cữ ban ngày.
- Đảm bảo phòng ngủ nhiều ánh sáng vào ban ngày.
- Không cần “cắt đứt” mọi tiếng ồn thông thường vào ban ngày
- Nếu đang bú mà bé thiu thiu ngủ thì nhẹ nhàng đánh thức bé dậy.
Ban đêm:
- Giữ yên lặng và nói khẽ khi cho bé bú cữ đêm.
- Giữ phòng tối (có thể để đèn ngủ ánh sáng dịu) và yên tĩnh, không trò chuyện nhiều.
- Cần phải dạy bé nhận biết ban đêm là lúc ngủ ngay từ khi bé được hai tuần tuổi, đừng để quá muộn.
Sau khi ra khỏi môi trường trong bụng mẹ, cũng là lúc bé phải tự thích nghi với môi trường sống bên ngoài. Trẻ sơ sinh khi mới được sinh ra còn quá non nớt, sức đề kháng cơ thể kém nên cần sự chăm sóc cần thận chu đáo, khoa học từ cha mẹ. MamanBébé hy vọng các cha mẹ hãy tìm hiểu thật kĩ và chọn lọc các thông tin chính xác để trở thành những cha mẹ thông thái trong cách chăm sóc con mình nhé.