11 câu hỏi phụ nữ nên hỏi bác sĩ nếu muốn có thai sớm (Phần 2)
Tiếp nối kỳ 1, mẹ tiếp tục tìm hiểu 11 câu hỏi nên hỏi bác sĩ nếu muốn có thai sớm và thai kỳ an toàn trong bài viết dưới đây.
Có nên thay đổi chế độ ăn uống/tập thể dục/thói quen sinh hoạt khác?
Mẹ có biết rằng thừa cân hoặc thiếu cân có thể làm giảm khả năng sinh sản? Cân nặng không cân đối cũng có thể dẫn đến các biến chứng thai kỳ như tiểu đường thai kỳ, huyết áp cao và sảy thai.
Tập thể dục quá mức, uống rượu và hút thuốc lá cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản và mang thai. Hãy trò chuyện cởi mở với bác sĩ về thói quen, lối sống của bản thân và hỏi xem mẹ có cần thay đổi gì trước khi cố gắng thụ thai không.
Có cần tiêm chủng không?
Bị ốm khi mang thai khiến sức khỏe của mẹ và sức khỏe của thai nhi bị ảnh hưởng. Bảo vệ thai nhi khỏi bệnh truyền nhiễm bằng cách tiêm vắc-xin cập nhật sớm nhất. Nếu mẹ chưa được tiêm phòng, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ tiêm vắc-xin sởi, quai bị, rubella (MMR) và thủy đậu trước khi thụ thai vì những loại virus này không an toàn cho phụ nữ mang thai. Các vắc-xin cúm theo mùa, uốn ván/bạch hầu/ho gà (Tdap) và vắc-xin viêm gan B có thể được thực hiện trong khi mang thai.
Có cần xét nghiệm di truyền không?
Một cặp vợ chồng có thể quyết định làm xét nghiệm di truyền để xem liệu có bất kỳ nguy cơ di truyền nào bao gồm teo cơ cột sống, xơ nang, bệnh Tay-Sachs... xảy đến với trẻ hay không.
Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể tính toán những rủi ro trong thai kỳ tự nhiên. Một cách để ngăn chặn tình trạng di truyền sang con cái là trải qua thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với chẩn đoán di truyền tiền ghép (PGD).
Mẹ nên làm gì sau khi có kết quả thử thai?
Nhiều cặp vợ chồng không biết phải làm gì sau khi biết thai nhi đã hình thành. Cha mẹ nên đến bác sĩ sản khoa để thăm khám và có những lời khuyên đúng đắn đến từ chuyên gia cho thai kỳ an toàn.
Những mong đợi khác vào chuyến thăm khám
Bên cạnh một câu hỏi và trả lời, chuyến thăm khám có thể sẽ bao gồm một số bài kiểm tra sức khỏe cho mẹ bầu. Bao gồm: đo huyết áp, phết tế bào, khám vùng chậu và vú. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra các vấn đề có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản chẳng hạn như u xơ tử cung, u nang hoặc PCOS đặc biệt là nếu mẹ có triệu chứng của các tình trạng này.
Xét nghiệm máu cũng có thể được tiến hành để làm rõ mức độ vitamin, sức khỏe tuyến giáp, tình trạng STD và chủng ngừa một số bệnh (như thủy đậu và viêm gan B). Bác sĩ cũng có thể tiến hành xét nghiệm nước tiểu hoặc kiểm tra sức khỏe tinh thần của mẹ.
Trên hết, lần khám đầu tiên trong thai kỳ là cơ hội đặc biệt tốt, nhất là với các bà mẹ lần đầu mang thai để xin các tư vấn chuẩn xác đến từ chuyên gia. Mẹ có cơ hội nắm bắt được các kiến thức thai kỳ, chuẩn bị cho một thay đổi lớn lao với sự xuất hiện của thành viên mới trong gia đình, dinh dưỡng cho bản thân và thai nhi suốt thời kỳ mang thai...
Hãy tận dụng tất cả cơ hội để chào đón thai kỳ tích cực và thành công như mong muốn.
Theo Parents