Viêm gan B, HIV và giang mai là những bệnh nguy hiểm và có thể truyền từ mẹ sang con. Do vậy, tất cả mẹ bầu đều cần tầm soát các bệnh này trong thai kỳ. Mẹ bầu lắng nghe tư vấn của chuyên gia về vấn đề này ngay nhé.

Tại sao cần tầm soát viêm gan B, HIV và giang mai trong thai kỳ?

Viêm gan B, HIV và giang mai đều có thể lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai và khi sinh. Cụ thể:

Bệnh viêm gan B

Viêm gan B, HIV và giang mai đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho mẹ và bé

Viêm gan B ảnh hưởng đến gan và có thể gây bệnh ngay lập tức (cấp tính) và lâu dài (mãn tính). Bệnh truyền nhiễm qua máu và các chất dịch cơ thể khác qua quan hệ tình dục hoặc kim tiêm bị nhiễm bệnh.

Phụ nữ mang thai bị viêm gan B cần được chăm sóc chuyên khoa, mẹ sẽ được cung cấp dịch vụ chăm sóc nếu kết quả xét nghiệm dương tính hoặc nếu mẹ đã biết mình bị viêm gan B. Nếu trẻ được tiêm chủng ngừa viêm gan B trong năm đầu tiên chào đời, nguy cơ phát triển bệnh sẽ giảm đáng kể.

HIV

HIV làm suy yếu hệ thống miễn dịch, cơ thể khó chống lại nhiễm trùng. Nếu không được điều trị, HIV có thể dẫn đến AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch). HIV lây truyền qua máu và các chất dịch cơ thể khác qua quan hệ tình dục hoặc kim tiêm nhiễm bệnh. HIV có thể truyền từ phụ nữ sang con khi mang thai, khi sinh hoặc cho con bú nếu không được điều trị.

Bệnh giang mai

Bệnh giang mai thường lây truyền khi tiếp xúc gần với vết săng giang mai khi quan hệ tình dục. Bệnh cũng có thể được truyền từ phụ nữ mang thai sang thai nhi trong khi mang thai. Nếu không được điều trị, bệnh giang mai có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho mẹ và con, thậm chí gây sẩy thai hoặc thai chết lưu. Bệnh giang mai được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Điều trị càng sớm thì nguy cơ truyền bệnh cho em bé càng thấp.

Tầm soát đúng cách bệnh viêm gan B, HIV và giang mai

Xét nghiệm máu giúp tầm soát bệnh viêm gan B, HIV và giang mai

Trong thời gian mang thai, mẹ sẽ được xét nghiệm máu để tìm dấu hiệu các bệnh truyền nhiễm, bao gồm: Viêm gan B, HIV và giang mai. Đây là một phần của quá trình sàng lọc định kỳ trước khi sinh và được khuyến nghị cho tất cả phụ nữ mang thai trong mọi thai kỳ.

Mẹ sẽ được yêu cầu xét nghiệm máu khi đi khám thai tại các cơ sở y tế. Xét nghiệm máu cần được thực hiện càng sớm càng tốt trong thời kỳ mang thai, lý tưởng nhất là sau 10 tuần thai. Khi đó, việc điều trị có thể được bắt đầu để giúp giảm nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi trong bụng.

Nếu mẹ đã biết mình bị nhiễm HIV hoặc viêm gan B, mẹ sẽ cần khám với bác sĩ chuyên khoa sớm để lên kế hoạch chăm sóc trong thai kỳ. Nếu chồng bị HIV, viêm gan B hoặc giang mai, mẹ hãy thông báo với bác sĩ càng sớm càng tốt.

Tầm soát được thực hiện như thế nào và có rủi ro nào không?

Mẹ bầu hoàn toàn yên tâm khi tầm soát bệnh vì việc tầm soát rất an toàn

Các bác sĩ sẽ lấy mẫu máu từ cánh tay của mẹ để tầm soát 3 loại bệnh trên. Không có rủi ro nào liên quan đến xét nghiệm này, bao gồm cho cả mẹ và cho thai nhi.

Làm gì khi có kết quả tầm soát?

Bác sĩ sẽ thông báo kết quả tầm soát với mẹ trước hoặc trong lần khám thai tiếp theo và ghi lại kết quả vào hồ sơ thai sản của mẹ. Cùng với kết quả trên, bác sĩ sẽ thực hiện thêm các xét nghiệm và kiểm tra để đánh giá đầy đủ tình trạng của mẹ cũng như phương pháp điều trị và chăm sóc mà mẹ cần.

Hãy nhớ rằng, ngay cả khi kết quả xét nghiệm âm tính, mẹ vẫn có nguy cơ mắc viêm gan B, HIV và giang mai trong các thời điểm khác của thai kỳ. Do vậy, điều quan trọng là mẹ nên thực hiện các biện pháp phòng bệnh như tình dục an toàn, không sử dụng chung kim tiêm... Bất cứ khi nào mẹ nghi ngờ bản thân có nguy cơ mắc bệnh, hãy trao đổi với bác sĩ và đề nghị làm xét nghiệm tầm soát bệnh ngay.

Theo NHS.