Tại sao trẻ nhỏ hay dụi mắt
Dụi mắt là hành động vô cùng đáng yêu của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp mà hành động dụi mắt của bé sẽ là thông điệp gửi đến bố mẹ mà đôi lúc chính bố mẹ cũng không biết được. Cùng tìm hiểu tại sao trẻ con hay dụi mắt?
Đôi khi vô tình hay cố ý, bé luôn đưa tay lên dụi mắt, và hành động này thường xuyên lặp đi lặp lại vô hình gây ảnh hưởng không tốt đến đôi mắt của bé. Để tránh tình trạng dụi mắt nhiều của bé, bố mẹ cùng tìm hiểu những thông điệp bé muốn nói thông qua hành động dụi mắt của trẻ.
Buồn ngủ
Nếu bé dụi mắt và ngáp, điều này cho thấy bé đang buồn ngủ và mệt mỏi. Khi bé mệt, mắt bé cũng không thể hoạt động linh hoạt nữa. Dụi mắt là cách để mát xa vùng cơ xung quanh, giúp giảm mệt mỏi. Điều này sẽ giảm bớt căng thẳng ở các cơ xung quanh mắt và trong mí mắt.
Để tránh tình trạng này xảy ra thường xuyên, mẹ nên quan sát để nhận biết các dấu hiệu buồn ngủ và mệt mỏi của bé. Dụi mắt và ngáp là những dấu hiệu phổ biến cho thấy bé cần ngủ trưa. Nếu bạn thấy bé có dấu hiệu buồn ngủ, hãy đặt bé xuống và vỗ về giấc ngủ của bé.
Tìm hiểu thói quen ngủ của bé: Khi đã có thói quen ngủ nhất định, bé sẽ ngủ ngay cả khi bạn không có bên cạnh. Điều này sẽ giúp bé ít bị mệt, do đó sẽ ít dụi mắt.
Mắt khô
Trẻ nhỏ sẽ dụi mắt khi mắt bé quá khô. Thông thường, mắt được bảo vệ bởi một màng nước mắt và màng nước này sẽ bay hơi khi tiếp xúc với không khí trong thời gian dài. Điều này khiến cho mắt bị khô, gây khó chịu. Do đó, theo bản năng, bé sẽ dụi mắt để xoa dịu. Việc dụi mắt sẽ kích thích nước mắt, giúp khôi phục độ ẩm.
Trong trường hợp thấy bé dịu mắt nhưng không có dấu hiệu buồn ngủ, mắt bé có biểu hiện đỏ tấy lên, bạn hãy nghĩ ngay đến mắt bé bị khô. Một vài giọt nước muối sinh lý sẽ giúp bé cải thiện tình trạng này.
Tò mò
Ngoài buồn ngủ và mệt mỏi, có rất nhiều nguyên nhân trẻ nhỏ dụi mắt. Bạn sẽ thấy khi bé bắt đầu phát triển kỹ năng vận động thì sự tò mò của bé cũng tăng theo. Bé sẽ thử chạm vào từng phần của cơ thể để tìm hiểu xem cơ thể sẽ phản ứng thế nào.
Bé ngạc nhiên hoặc thích thú
Khi bạn thấy bé không có dấu hiệu mệt mỏi nhưng vẫn dụi mắt thì có thể là khi làm vậy, bé sẽ nhìn thấy những kích thích thị giác đáng kinh ngạc. Trẻ nhỏ đôi khi yêu thích cảm giác nhắm mắt, cọ xát và lặp lại để xem những hình ảnh thị giác đó. Người lớn cũng có khả năng cảm nhận tương tự nếu nhắm hoặc dụi mắt, bạn sẽ nhìn thấy các mô hình và ánh sáng. Đây có thể là lý do khiến bé thích dụi mắt.
Thật đáng yêu khi thấy hành động này của bé phải không? Nhưng đây là hành động không tốt cho đôi mắt của bé. Bạn hãy phân tán sự chú ý của con bằng cách cho bé nhìn thấy một điều gì đó thú vị hơn. Do ít có khả năng chú ý nên bé sẽ dễ bị phân tâm.
Có gì đó trong mắt bé
Bé có thể dụi mắt nếu có điều gì đó kích thích trong mắt, chẳng hạn như hạt bụi nhỏ. Những vật thể lạ vướng trong mắt sẽ kích thích khiến trẻ nhỏ muốn dụi mắt liên tục. Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc dụi mắt có thể gây hại vì chúng sẽ khiến con tự làm trầy xước bên trong mắt của mình.
Nếu bạn nhìn thấy bé vừa dụi vừa khóc và đôi mắt chuyển sang màu đỏ thì nhiều khả năng là bụi đã rơi vào mắt bé. Bạn hãy nhúng một miếng bông gòn vào nước lạnh và chùi từ từ để làm sạch mắt. Nếu bé vẫn thấy khó chịu, hãy đưa bé đến bác sĩ.
Trườn hợp bé dụi mặt và kèm theo một số dấu hiệu như mắt đỏ, có nhèn dử mắt, bé ngủ không ngon giấc, quấy khóc, bú kém, bé gãi liên tục hoặc chà đầu, cọ mặt vào gối cho đỡ ngứa và kèm theo có mụn nước vỡ ra, da rớm máu thì mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ vì đó có thể là dấu hiệu của các bệnh lý về mắt, viêm da...
Để giảm thiểu tổn thương và trầy xước, bạn cần phải ngăn không cho bé dụi mắt. Bạn cần phải bảo vệ cho đến khi bé đủ trưởng thành để nhận ra những ảnh hưởng tiêu cực của việc dụi mắt.
Nếu con có thói quen dụi mắt, hãy cố che tay bé lại. Bạn nên cho trẻ mặc áo tay dài hoặc mang găng tay cho bé. Điều này sẽ ngăn không cho bé dụi mắt hoặc gãi mặt.
Bố mẹ có thể giữ bàn tay của con tránh xa khỏi mặt, nếu bạn nghĩ bé có ý định dụi mắt, hãy làm phân tán sự chú ý của bé bằng cách đưa cho bé một món đồ chơi để bé quên đi việc này.
Dụi mắt không phải hành động xấu, đó là phản ứng của bé trước ngoại cảnh, là cách bé nói cho bố mẹ biết có điều gì đó xảy ra với bé. Và điều cần làm ở bố mẹ, đó là theo dõi, tìm hiểu, ngăn chặn hành động đó thật sớm nếu hành động đó gây hại cho bé.