Sứt môi và hở hàm ếch ảnh hưởng như thế nào tới trẻ nhỏ?
Sứt môi và hở hàm ếch là những dị tật ảnh hưởng trước tiên tới ngoại hình của trẻ và sau đó là một loạt các vấn đề khác trong sinh hoạt thường nhật. Cha mẹ tìm hiểu vấn đề này cùng chuyên gia ngay nhé.
Nguyên nhân sứt môi và hở hàm ếch
Sứt môi hoặc hở hàm ếch xảy ra khi các cấu trúc hình thành môi trên hoặc vòm miệng không kết hợp đúng cách với nhau khi em bé đang phát triển trong bụng mẹ. Lý do chính xác tại sao điều này xảy ra với một số trẻ sơ sinh thường không rõ ràng. Rất ít khả năng trẻ bị bệnh là do hệ quả của những việc mẹ bầu đã làm hoặc không làm trong thai kỳ.
Trong một số trường hợp, sứt môi và hở hàm ếch có liên quan đến:
- Các gen mà một đứa trẻ thừa hưởng từ cha mẹ của chúng
- Mẹ bầu hút thuốc khi mang thai hoặc uống rượu khi mang thai
- Mẹ bầu béo phì khi mang thai
- Mẹ bầu thiếu axit folic trong thai kỳ
- Mẹ bầu dùng một số loại thuốc trong thời kỳ đầu mang thai
Trong một số trường hợp, sứt môi hoặc hở hàm ếch có thể xảy ra như một phần của tình trạng gây ra nhiều dị tật bẩm sinh hơn, chẳng hạn như hội chứng xóa 22q11 (hay được gọi là hội chứng cơ tim) và chuỗi Pierre Robin.
Dấu hiệu nhận biết sứt môi và hở hàm ếch
Bằng mắt thường, có thể quan sát và nhận biết được trẻ mắc bệnh. Trẻ sinh ra có thể bị sứt môi, hở hàm ếch hoặc cả hai. Sứt môi có thể chỉ ảnh hưởng đến một bên môi hoặc có thể tạo ra 2 khe hở ở môi của trẻ.
Khoảng hở có thể dao động từ kích thước nhỏ đến kích thước lớn (thậm chí rộng tới mũi của trẻ). Sứt môi có thể chỉ là một khe hở ở phía sau miệng hoặc có thể là một khe hở trong vòm miệng kéo dài đến phía trước miệng của trẻ. Đôi khi, sứt môi và hở hàm ếch có thể được che giấu bởi lớp niêm mạc của miệng.
Chẩn đoán sứt môi và hở hàm ếch
Sứt môi thường được phát hiện ra trong quá trình quét dị tật giữa thai kỳ (thực hiện khi mẹ bầu đang mang thai từ 18 đến 21 tuần). Tuy vậy, không phải tất cả khe hở môi đều hiển thị rõ ràng tại lần kiểm tra này và rất khó phát hiện ra sứt môi trên siêu âm.
Nếu sứt môi hoặc hở hàm ếch không xuất hiện trên bản chụp, bệnh thường được chẩn đoán ngay sau khi sinh hoặc trong quá trình khám sức khỏe trẻ sơ sinh được thực hiện trong vòng 72 giờ sau sinh.
Khi được chẩn đoán sứt môi hoặc hở hàm ếch, cha mẹ sẽ được giải thích về tình trạng của trẻ, thảo luận về các phương pháp điều trị mà trẻ cần và bác sĩ sẽ trả lời bất kỳ câu hỏi nào của cha mẹ.
Sứt môi và hở hàm ếch ảnh hưởng như thế nào tới trẻ nhỏ?
Sứt môi và hở hàm ếch có thể gây ra một số vấn đề, đặc biệt là trong vài tháng đầu sau khi trẻ sinh. Các vấn đề có thể bao gồm:
- Khó bú – trẻ bị sứt môi và hở hàm ếch có thể không thể bú mẹ hoặc bú bình như các trẻ khác vì chúng không thể hình thành vòm miệng khớp như bình thường
- Các vấn đề về thính giác – một số trẻ bị hở hàm ếch dễ bị nhiễm trùng tai hơn và tích tụ chất lỏng trong tai, có thể ảnh hưởng đến thính giác của trẻ
- Các vấn đề về răng miệng –răng của trẻ có thể không phát triển đúng cách và trẻ có thể có nguy cơ bị sâu răng cao hơn
- Các vấn đề về giọng nói – nếu hở hàm ếch không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến các vấn đề về giọng nói như giọng nói không rõ ràng hoặc nghe giọng mũi khi trẻ lớn hơn
Hầu hết những vấn đề này sẽ được cải thiện sau khi trẻ được điều trị bệnh kết hợp với các phương pháp như liệu pháp ngôn ngữ và lời nói.
Điều trị sứt môi và hở hàm ếch
Quá trình điều trị sứt môi và hở hàm ếch cần được thực hiện trong thời gian dài và kết hợp nhiều phương pháp với nhau. Trong đó, phương pháp chính và quan trọng nhất chính là phẫu thuật để chỉnh sửa khe hở môi và sửa khe hở hàm ếch. Ca phẫu thuật sửa khe hở môi thường được thực hiện khi trẻ được 3 đến 6 tháng và phẫu thuật sửa khe hở hàm ếch thường được thực hiện khi trẻ được 6 đến 12 tháng.
Ngoài ra, mẹ sẽ được các bác sĩ cho lời khuyên về:
- Cách đặt cho con bú
- Theo dõi thính giác của trẻ
- Áp dụng liệu pháp lời nói và ngôn ngữ để theo dõi sự phát triển lời nói và ngôn ngữ của trẻ trong suốt thời thơ ấu và giúp giải quyết mọi vấn đề về lời nói và ngôn ngữ của trẻ
- Vệ sinh răng miệng tốt và điều trị chỉnh nha cho trẻ và trẻ có thể cần niềng răng nếu răng trưởng thành của chúng mọc không đúng cách.
Theo NHS.