Sốt thương hàn – Những điều mẹ cần chú ý để phòng ngừa bệnh cho trẻ
Sốt thương hàn là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra và có thể gây tử vong cho trẻ nhỏ. Cha mẹ cùng tìm hiểu triệu chứng, cách phòng tránh và điều trị của bệnh với ý kiến của chuyên gia ngay nhé.
Nguyên nhân gây sốt thương hàn
Sốt thương hàn gây ra bởi một loại vi khuẩn có tên là Salmonella typhi, liên quan đến vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm Salmonella. Bệnh thương hàn rất dễ lây lan. Người bị bệnh có thể truyền vi khuẩn ra khỏi cơ thể qua chất thải của cơ thể (bao gồm cả nước tiểu và phân).
Nếu ai đó ăn thức ăn hoặc uống nước bị nhiễm một lượng nhỏ phân hoặc nước tiểu của người bị nhiễm bệnh, họ có thể bị nhiễm vi khuẩn và phát triển bệnh sốt thương hàn.
Ai dễ mắc bệnh nhất?
Sốt thương hàn phổ biến nhất ở những nơi trên thế giới có điều kiện vệ sinh kém và hạn chế tiếp cận với nước sạch. Trên toàn thế giới, trẻ em được cho là có nguy cơ mắc bệnh sốt thương hàn cao nhất.
Điều này có thể là do hệ thống miễn dịch của trẻ (cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể chống lại nhiễm trùng và bệnh tật) vẫn đang phát triển và chưa được hoàn thiện. Nhưng trẻ em bị sốt thương hàn thường có các triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn.
Các triệu chứng của sốt thương hàn
Cha mẹ hãy chú ý các dấu hiệu sau, nếu trẻ mắc phải, vì đó có thể là triệu chứng của sốt thương hàn:
- Sốt cao với nhiệt độ có thể đạt 39 đến 40◦C
- Đau đầu
- Đau nhức cơ thể chung
- Ho
- Táo bón
Khi tình trạng nhiễm trùng tiến triển, trẻ có thể chán ăn, cảm thấy ốm, đau bụng và tiêu chảy. Ngoài ra, một số trẻ có thể phát ban trên da.
Nếu sốt thương hàn không được điều trị, các triệu chứng sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn trong những tuần tiếp theo và nguy cơ phát triển các biến chứng có thể gây tử vong sẽ tăng lên.
Các biến chứng của sốt thương hàn
Các biến chứng do sốt thương hàn thường chỉ xảy ra ở những người chưa được điều trị bằng thuốc kháng sinh thích hợp hoặc không được điều trị ngay lập tức. Trong những trường hợp như vậy, khoảng 1/10 người gặp các biến chứng, thường phát triển trong tuần thứ ba của nhiễm trùng. Hai biến chứng thường gặp nhất khi không được điều trị sốt thương hàn là:
+ Chảy máu trong hệ tiêu hóa
+ Nứt (vỡ) một phần của hệ thống tiêu hóa hoặc ruột, làm lây lan nhiễm trùng sang mô lân cận
Trong đó, chảy máu trong có mức độ nguy hiểm thấp hơn, thường không đe dọa đến tính mạng nhưng có thể khiến trẻ cảm thấy rất khó chịu. Hơn thế, nứt (vỡ) một phần hệ thống tiêu hóa là một biến chứng rất nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn đến suy đa tạng và tử vong.
Cách điều trị sốt thương hàn
Sốt thương hàn cần điều trị kịp thời bằng kháng sinh. Nếu sốt thương hàn được chẩn đoán sớm, tình trạng nhiễm trùng nhẹ thì có thể được điều trị tại nhà với một đợt thuốc kháng sinh kéo dài từ 7 đến 14 ngày.
Những trường hợp sốt thương hàn nghiêm trọng hơn thường phải nhập viện để tiêm kháng sinh. Với việc điều trị kháng sinh kịp thời, hầu hết mọi người sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn trong vòng vài ngày và các biến chứng nghiêm trọng là rất hiếm. Nếu sốt thương hàn không được điều trị, ước tính có tới 1/5 người mắc bệnh này sẽ tử vong.
Cách phòng bệnh thương hàn
Dưới đây là một số biện pháp bảo vệ trẻ khỏi bệnh sốt thương hàn:
- Tiêm phòng dưới sự chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là nên tiêm phòng cho bất kỳ ai dự định đi du lịch đến các nơi trên thế giới hoặc nơi bệnh thương hàn đang lan rộng.
- Nhưng vì vắc xin không bảo vệ trẻ 100% nên cha mẹ cần áp dụng một số biện pháp phòng ngừa khi đi du lịch cho trẻ. Ví dụ: Trẻ chỉ nên uống nước đóng chai hoặc nước đun sôi để nguội. Đồng thời, nên tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm có thể bị ô nhiễm.
Hãy đưa trẻ tới bệnh viện để được bác sĩ thăm khám cụ thể khi có các triệu chứng nghi ngờ sốt thương hàn.
Theo NHS.