Vi khuẩn, vi rút và thậm chí cả nấm có thể gây viêm màng não. Tìm hiểu các triệu chứng và cách điều trị, bao gồm cả việc chủng ngừa bệnh viêm màng não ở trẻ nhỏ với sự tư vấn của chuyên gia ngay cha mẹ nhé.

Viêm màng não là gì?

Viêm màng não là sự sưng tấy của màng não (màng bao quanh não và cột sống), và nó là do nhiễm vi khuẩn, vi rút hoặc nấm. Viêm màng não do vi khuẩn là bệnh nguy hiểm nhất trong 3 bệnh nhiễm trùng và có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị nhanh chóng.

Viêm màng não do vi rút có thể xảy ra cùng với nhiễm vi rút ở những nơi khác trong cơ thể do viêm dạ dày, thủy đậu (varicella) hoặc quai bị. Loại bệnh này thường tự biến mất, không có bất kỳ biến chứng lâu dài. Viêm màng não do nấm hiếm gặp và thường xảy ra nếu hệ thống miễn dịch bị tổn hại do ung thư hoặc HIV/AIDS.

Viêm màng não ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của trẻ nhỏ
Viêm màng não ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của trẻ nhỏ

Nhiều loại vi khuẩn khác nhau có thể gây viêm màng não. Ở trẻ sơ sinh, vi khuẩn phổ biến nhất là Streptococcus nhóm B (GBS) và Escherichia coli. Ở trẻ em trên 2 tháng tuổi, Streptococcus pneumoniae (phế cầu) và Neisseria meningitidis(não mô cầu) là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp viêm màng não.

Trước khi tiêm chủng phổ biến, Haemophilus influenzae týp b (Hib) cũng là một nguyên nhân gây viêm màng não ở trẻ em. Ngày nay, với việc chủng ngừa định kỳ, Hib là một nguyên nhân hiếm gặp của bệnh viêm màng não.

Thời gian ủ bệnh của viêm màng não thay đổi từ vài ngày đến vài tuần, tùy thuộc vào loại vi khuẩn nào đã gây ra nhiễm trùng. Vi trùng lây lan qua dịch tiết từ người bệnh khi hắt hơi hoặc ho, nhưng sự lây nhiễm cũng có thể xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc chất thải từ người bệnh.

Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh viêm màng não

Viêm màng não có thể bắt đầu giống như cảm lạnh hoặc cúm và có thể kèm theo các triệu chứng khác, chẳng hạn như ho, sổ mũi và đau họng. Sau một thời gian, các triệu chứng xấu đi và xuất hiện các triệu chứng chính xác của bệnh như: nhức đầu, sốt và cứng cổ.

Cổ cứng có nghĩa là trẻ sẽ không thể cúi cằm xuống trước ngực hoặc ngửa cổ về phía sau. Trong một số trường hợp, đau cổ (do căng cơ hoặc nhiễm trùng nhỏ dẫn đến sưng hạch bạch huyết ở cổ), kết hợp với cổ cứng, có thể là dấu hiệu của bệnh viêm màng não.

Kiểm tra tình trạng cứng cổ bằng cách cho trẻ ngồi thẳng dậy trên giường, sau đó cầm một món đồ chơi nhỏ hoặc đèn pin chiếu xuống gần rốn và yêu cầu trẻ nhìn vào đó. Nếu trẻ khó nhìn xuống, đây là dấu hiệu của chứng cứng cổ. Một dấu hiệu khác của chứng cứng cổ là khi trẻ không thể cúi đầu về phía trước và hạ thấp xuống khi nôn mửa.

Kiểm tra nốt mủ trên da của trẻ để dự đoán trẻ có mắc viêm màng não không
Kiểm tra nốt mủ trên da của trẻ để dự đoán trẻ có mắc viêm màng não không

Phát ban da cũng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm màng não. Da của trẻ sẽ xuất hiện những đốm nhỏ li ti, màu đỏ tươi, xuất huyết nhỏ (mạch máu nhỏ bị vỡ dưới da). Không giống như phát ban do truyền nhiễm khác, những nốt xuất huyết này sẽ không mờ đi hoặc chuyển sang màu trắng khi dùng đầu ngón tay hoặc cốc thủy tinh ấn vào.

Theo thời gian, những đốm này có thể tăng về số lượng và kích thước. Các triệu chứng khác bao gồm ớn lạnh, đau khớp và cơ, nôn mửa, nhạy cảm với ánh sáng, chuột rút, ủ rũ và mệt mỏi.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể không có dấu hiệu cứng cổ, phát ban hoặc sốt. Thay vào đó, chúng sẽ xuất hiện các triệu chứng mơ hồ, chẳng hạn như quấy khóc nhiều hơn, khó chịu hơn khi bị bế, chậm chạp, hạ nhiệt độ cơ thể, chán ăn, tăng khạc nhổ và nôn mửa.

Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh viêm màng não

Nhiều trường hợp viêm màng não có thể được ngăn ngừa nếu cha mẹ đảm bảo rằng trẻ được tiêm đủ các loại vắc xin được khuyến cáo. Một số vắc xin bảo vệ chống lại vi khuẩn có thể gây viêm màng não, bao gồm Haemophilus influenzae (Hib), não mô cầu và phế cầu.

Nếu một đứa trẻ trong gia đình hoặc ở nhà trẻ được chẩn đoán mắc bệnh viêm màng não, những đứa trẻ khác nên được chủng ngừa hoặc điều trị bằng thuốc kháng sinh để ngăn trẻ bị nhiễm trùng hoặc lây lan vi trùng.

Điều trị viêm màng não

Cho trẻ tới bệnh viện để kịp thời xác định và điều trị bệnh viêm màng não
Cho trẻ tới bệnh viện để kịp thời xác định và điều trị bệnh viêm màng não

Viêm màng não là một căn bệnh nguy hiểm, cần được chăm sóc y tế và nhập viện ngay lập tức. Bệnh có thể nhanh chóng chuyển sang một tình huống đe dọa tính mạng trẻ nhỏ với các dấu hiệu: Sốc, tuần hoàn kém, tụt huyết áp, mất ý thức, tim và hệ hô hấp bị suy. Một số cơ quan có thể bị ảnh hưởng gồm gan, thận và tim.

Nếu trẻ bị viêm màng não mủ, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh bên cạnh các biện pháp điều trị tích cực khác. Trẻ rất có thể sẽ phải nằm viện trong vài ngày hoặc thậm chí vài tuần và điều quan trọng là trẻ phải được nghỉ ngơi và bồi dưỡng đầy đủ.

Viêm màng não rất nghiêm trọng và có thể gây tử vong. Ngay cả khi trẻ hồi phục sau khi khỏi bệnh, các loại tổn thương não khác nhau, chẳng hạn như mất thính giác, giảm thị lực, khó khăn trong học tập và rối loạn co giật, chứng động kinh... có thể là di chứng ảnh hưởng lâu dài đến trẻ.

Hãy nhớ, thời điểm đưa trẻ tới bệnh viện rất quan trọng. Cha mẹ cần cho trẻ nhập viện ngay nếu:

  1. Trẻ phát ban trên da với những chấm nhỏ màu đỏ tía hoặc nhỏ li ti, không mờ đi khi ấn vào.
  2. Bị sốt và đau cổ hoặc cứng cổ hay lưng.
  3. Đau hoặc cứng cơ thể và nôn mửa
  4. Ít hoạt động hơn và trông yếu đi với các biểu hiện như buồn ngủ, bơ phờ, mệt mỏi, cáu kỉnh hoặc lú lẫn.

Hãy giúp trẻ tránh xa viêm màng não từ ngay bây giờ cha mẹ nhé.

Theo Parents.