Giun kim có thể gây nên nhiều cảm giác khó chịu cho trẻ nhỏ. Bệnh rất dễ lây lan và phổ biến với trẻ nhỏ. Cha mẹ tìm hiểu cách phòng ngừa nguy cơ nhiễm giun kim cho trẻ ngay nhé.

Làm thế nào để biết trẻ có nhiễm giun kim không?

Hình ảnh giun kim dưới kính hiển vi

Giun kim là những con giun nhỏ trong phân của trẻ và có hình dáng trông giống như những mảnh chỉ trắng. Cha mẹ có thể phát hiện ra giun trong phân của trẻ bằng mắt thường. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể thấy giun xung quanh mông của trẻ (vùng hậu môn). Giun thường ra vào ban đêm khi trẻ đang ngủ và tạo nên những cảm giác khó chịu cho trẻ, đặc biệt là cảm giác ngứa.

Các dấu hiệu khác cho thấy trẻ đã bị nhiễm giun kim bao gồm:

  1. Giảm cân
  2. Hay tè dầm ra giường
  3. Vùng da xung quanh hậu môn bị kích thích
  4. Cực kỳ ngứa quanh hậu môn hoặc âm đạo, đặc biệt là vào ban đêm
  5. Trẻ bị khó chịu và hay thức giấc vào ban đêm
  6. Do bị ngứa, trẻ có thể gãi rất nhiều vùng da ở hông hoặc hậu môn

Cách thức lây lan của giun kim

Giun kim lây lan khi trẻ nuốt phải trứng giun. Giun đẻ trứng xung quanh hậu môn của trẻ, khiến trẻ ngứa ngáy. Trứng bị dính vào ngón tay khi trẻ gãi. Sau đó, trứng giun có thể bám lên bất cứ đồ vật nào trẻ chạm vào, bao gồm:

  1. Quần áo
  2. Đồ chơi
  3. Bàn chải đánh răng
  4. Bề mặt nhà bếp hoặc phòng tắm
  5. Chăn ga gối đệm
  6. Món ăn
  7. Vật nuôi
Trứng giun có thể bám trên rất nhiều bề mặt trẻ tiếp xúc

Sau đó, trứng có thể truyền sang người khác khi họ chạm vào các bề mặt này và đưa tay lên miệng. Trứng giun mất khoảng 2 tuần để nở thành giun kim. Trẻ em có thể bị nhiễm giun trở lại sau khi đã được điều trị khỏi nếu để trứng vào miệng. Đây là lý do tại sao các chuyên gia khuyến khích trẻ em rửa tay thường xuyên như là biện pháp quan trọng nhất để phòng ngừa và hạn chế lây lan bệnh.

Điều trị giun kim

Trẻ có thể điều trị giun kim tại nhà mà không cần nhập viện. Mẹ hãy xin ý kiến của bác sĩ và dược sĩ để được kê loại thuốc phù hợp với tình trạng và độ tuổi của trẻ. Thuốc tẩy giun có thể dễ dàng mua tại các hiệu thuốc dưới dạng viên nén hoặc chất lỏng.

Bên cạnh đó, khi gia đình đã có một người bị nhiễm bệnh, các thành viên khác của gia đình cũng cần được điều trị, ngay cả khi thành viên đó không có triệu chứng. Tuân thủ liệu trình và chỉ định dùng thuốc được bác sĩ kê để đảm bảo an toàn và hiệu quả chữa bệnh là cao nhất.

Bất cứ khi nào trẻ có các dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên đưa trẻ nhập viện ngay lập tức để được bác sĩ thăm khám và xử lý kịp thời.

Phòng ngừa nguy cơ nhiễm giun kim cho trẻ

Rửa tay là biện pháp phòng ngừa giun kim hiệu quả cho trẻ

Thuốc có thể diệt được giun, nhưng không giết được trứng. Trứng có thể sống đến 2 tuần bên ngoài cơ thể. Vì vậy, cha mẹ cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa trẻ tái nhiễm bệnh hoặc để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh.

Dưới đây là các biện pháp cha mẹ nên làm:

  1. Rửa tay và kỳ cọ dưới móng tay thật kỹ, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã cho trẻ
  2. Khuyến khích trẻ em rửa tay thường xuyên
  3. Tắm mỗi sáng
  4. Rửa sạch bàn chải đánh răng trước khi sử dụng
  5. Giữ móng tay ngắn
  6. Giặt quần áo ngủ, khăn trải giường, khăn tắm và đồ chơi mềm (ở nhiệt độ bình thường)
  7. Khử trùng bề mặt nhà bếp và phòng tắm thường xuyên
  8. Lau bụi bằng khăn ẩm
  9. Đảm bảo trẻ mặc quần lót vào ban đêm và thay quần áo vào buổi sáng

Hơn nữa, cha mẹ cần tuân thủ những điều sau:

  1. Không giũ quần áo hoặc đồ giường để ngăn trứng rơi vào các bề mặt khác
  2. Không dùng chung khăn tắm hoặc khăn trải giường với trẻ
  3. Không cắn móng tay hoặc mút ngón tay của bản thân hoặc của trẻ

Chúc cha mẹ áp dụng thành công các biện pháp ngừa giun kim được chuyên gia hướng dẫn.

Theo NHS.