Phôi thai và những vấn đề cần lưu ý
Sự phát triển của thai nhi là một quá trình khá phức tạp với nhiều giai đoạn khác nhau. Bắt đầu từ khi trứng được thụ tinh sau đó phát triển thành túi phôi, phôi và sau đó là một thai nhi hoàn chỉnh. Phôi thai là giai đoạn rất quan trọng bởi đây là lúc hình thành các cơ quan quan trọng của cơ thể. Theo đó, khi biết được phôi thai xuất hiện ở tuần thứ mấy, người mẹ sẽ chủ động hơn trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe mẹ và bé.
1. Sự xuất hiện của phôi thai
Sau khi quá trình thụ thai diễn ra thành công, tinh trùng gặp trứng và tạo thành bộ 46 nhiễm sắc thể, đây được gọi là hợp tử. Trứng đã được thụ tinh gọi là phôi dâu sẽ tiếp tục di chuyển qua các ống dẫn trứng về phía tử cung và phân chia thành các tế bào.
Các phôi dâu phát triển thành phôi nang và gắn vào lớp niêm mạc tử cung, quá trình này được hoàn thành vào ngày thứ 9 hoặc 10 sau khi thụ thai. Các tế bào của phôi nang này phát triển một phần tạo thành túi phôi, một phần tạo thành nhau thai.
Theo đó, một số tế bào từ nhau thai phát triển thành một lớp bên ngoài (màng đệm) bao bọc xung quanh túi phôi. Các tế bào khác phát triển thành một lớp bên trong gọi là màng ối, trong đó sẽ hình thành túi ối. Khoảng từ 10 đến 12 ngày túi phôi sẽ được hình thành và được xem như là một phôi thai hoàn chỉnh vào khoảng 5 tuần tuổi. Bên trong túi ối chứa đầy chất lỏng trong suốt hay còn gọi là nước ối sẽ bao bọc phôi thai đang phát triển.
Như vậy câu trả lời cho câu hỏi phôi thai xuất hiện ở tuần thứ mấy chính là khoảng tuần thứ 5 ngay sau khi mang thai. Vì vậy, nếu trong quá trình siêu âm đầu dò (nhận biết mang thai sớm hơn siêu âm bụng) bác sĩ kết luận “chưa có phôi thai” thì bạn cũng không nên quá lo lắng. Chỉ là chưa đến lúc phôi thai vào trong tử cung mà thôi. Thử đợi thêm cho đợt siêu âm sau, mẹ nhé!
2. Phôi thai phát triển thế nào để trở thành thai nhi?
Khi đã biết phôi thai xuất hiện ở tuần thứ mấy ắt hẳn mẹ cũng sẽ quan tâm đến việc phôi thai phát triển như thế nào để tạo thành một thai nhi hoàn chỉnh.
Theo đó, trong giai đoạn tiếp theo phôi thai sẽ tiếp tục phát triển bên trong túi ối dưới lớp niêm mạc tử cung. Thời điểm này chính là lúc hình thành hầu hết các cơ quan nội tạng cũng như cấu trúc cơ thể bên ngoài của thai nhi.
Phôi thai bắt đầu kéo dài và dần dần giống với hình dạng con người. Não và tuỷ sống (ống thần kinh) bắt đầu phát triển. Tim và các mạch máu lớn được hình thành vào khoảng ngày thứ 16.
Trong khoảng 10 tuần sau khi thụ tinh hầu như tất cả các bộ phận cơ thể đã được hoàn thành một cách tương đối. Trừ bộ não và tuỷ sống sẽ vẫn tiếp tục phát triển trong suốt thai kỳ.
Người mẹ cần biết rằng các dị tật (dị tật bẩm sinh) thường xảy ra trong khoảng thời gian khi các cơ quan đang hình thành. Đây là giai đoạn rất nhạy cảm phôi thai dễ bị tổn thương, ảnh hưởng bởi những tác động từ bên ngoài như: Các loại tia bức xạ, virus, chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá, ma tuý…), người mẹ bị bệnh, thuốc uống… Vì vậy, mẹ cần hết sức lưu ý và cẩn thận trong giai đoạn này.
3. Mẹ cần làm gì để đảm bảo thai nhi phát triển khoẻ mạnh?
Phôi thai được xem là thời kỳ quan trọng nhất của quá mang thai vì vậy, mẹ cần giữ cho tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái. Đồng thời chế độ dinh dưỡng cho bà bầu cũng cần được quan tâm nhiều hơn.
Thời điểm này bạn không cần đặt nặng về vấn đề cân nặng cũng như phải cố gắng ăn thật nhiều. Chỉ cần quan tâm đến chất lượng hơn là số lượng. Tập chung bồi bổ các dưỡng chất cần thiết cho giai đoạn này như sắt, vitamin và khoáng chất, đặc nhiệt nhất là bổ sung a-xít folic giúp ngăn ngừa dị tật ồng thần kinh ở thai nhi rất hiệu quả.
Bên cạnh đó, mẹ cần tránh xa một số loại thực phẩm gây hại đến sức khoẻ của thai nhi như:
+ Rượu, bia, caffein, các loại nước uống có gas
+ Các loại gia vị cay, có tính nóng như hạt tiêu, ớt
+ Các loại cá có chứa nhiều thuỷ ngân như cá thu, cá ngừ, cá kiếm…vì chất thuỷ ngân sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi
+ Thực phẩm dễ gây sẩy thai như đu đủ xanh, khổ qua, rau ngót, rau sam, ngải cứu, rau chum ngây…
Bên cạnh việc quan tâm phôi thai xuất hiện ở tuần thứ mấy, mẹ cũng nhớ theo dõi sức khỏe của mình trong giai đoạn đầu của thai kỳ để đảm bảo không có bất trắc gì xảy ra. Đồng thời, mẹ nên ổn định tâm lý, sẵn sàng cho một hành trình làm mẹ đang chờ đợi phía trước.