Chuyển dạ và sắp sinh ở sản phụ cuối thai kì không ai có thể biết chính xác được. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận biết được việc sắp sinh thông qua các dấu hiệu dưới đây.

Bước vào tuần thai thứ 39 trở đi, thai nhi có độ trưởng thành, được gọi là thai đủ tháng. Thai nhi đủ tháng được đánh giá dựa trên siêu âm bởi các số đo đường kính trên cơ thể thai nhi phù hợp với thai nhi trưởng thành, đặc điểm của nước ối có nhiều phản âm và nhau có sự trưởng thành độ 3. Đó là thời điểm mẹ chuẩn bị cho ngày chào đón bé yêu. Càng đến gần ngày sinh, các mẹ càng băn khoăn và lo lắng nhiều hơn. Làm thế nào mẹ có thể biết được dấu hiệu sắp sinh xảy ra như thế nào, bản thân mẹ có nhận biết được hay không? Dấu hiệu sắp sinh trước 1 tuần bao gồm những dấu hiệu gì? Nhận biết rõ các dấu hiệu sẽ khiến mẹ bầu giảm bớt căng thẳng, và lo lắng.

Bé dịch chuyển xuống dưới: Một vài tuần trước khi bé chào đời, bé sẽ dịch chuyển xuống phía dưới trong khung xương chậu. Đối với các mẹ bầu sinh con lần 1, dấu hiệu này được nhận biết rõ ràng hơn. Từ lần sinh thứ 2 trở đi dấu hiệu này thường khá mơ hồ và chỉ cảm nhận được khi cuộc vượt cạn thực sự bắt đầu.

Bong nút nhầy tử cung: vào vài ngày trước khi sinh, mẹ sẽ thấy âm đạo tiết dịch nhiều hơn và có thể đặc hơn một chút. Nguyên nhân là do nút nhầy có tác dụng bịt kín cổ tử cung để ngăn ngừa viêm nhiễm, sẽ bong ra trong tử cung. Một số trường hợp nút nhầy bong ra sẽ lẫn một chút máu. Dấu hiệu sắp sinh này được gọi là “máu báo sắp sinh” và nó là một tín hiệu tốt cho cuộc vượt cạn sắp bắt đầu.

Xuất hiện cơn gò tử cung: gọi là cơn gò Braxton Hicks ngày một nhiều hơn, cảm giác của mẹ sờ trên bụng gò cứng, nhưng hoàn toàn không đau. Cơn gò này sẽ giúp cho ngôi thai bình chỉnh tốt hơn. Chính cơn gò này giúp thai nhi trong tử cung của mẹ sẽ lọt xuống tiểu khung, thuận tiện hơn trong quá trình sinh nở. Dấu hiệu thai nhi lọt xuống tiểu khung của mẹ khi thường gặp nhất đối với mẹ mang thai lần đầu tiên (con so). Đối với các mẹ mang thai lần thứ 2 (con rạ) trở đi, dấu hiệu này có thể gặp hoặc không gặp do thai nhi lọt xuống tiểu khung chỉ xảy ra khi bước vào chuyển dạ sinh thật sự.

Đau mỏi lưng, và đau bụng ở mọi tư thế: do nội tiết tố thai kỳ làm cho các khớp ở vùng chậu dãn, các dây chằng mềm hơn để cho các đường kính khung chậu của mẹ rộng hơn, giúp cho thai nhi lọt xuống được dễ dàng. Dấu hiệu này khá rõ khi mẹ di chuyển nhiều thì đau bụng và ngồi lâu thì đau lưng.

Dấu hiệu đi tiểu nhiều lần, buốt ở phần mu kèm tiêu chảy: Khi thai nhi đã lọt xuống khung chậu, cụ thể ngôi thai lọt xuống tiểu khung của mẹ sẽ kích thích vào bàng quang ở trước và tạo cho mẹ có cảm giác đi tiểu thường xuyên, kích thích vào trực tràng ở phía sau nên tạo cảm giác mẹ đi cầu.

Vùng kín của mẹ sưng nề: Do kích thích của ngôi thai lớn, do thay đổi nội tiết tố thai kỳ, thay đổi thần kinh làm cho các mạch máu nuôi dưỡng vùng tầng sinh môn, âm hộ và âm đạo dãn rộng, máu nuôi dưỡng đến nhiều hơn để cho đường kính ống âm đạo dãn nở tốt giúp cho thai nhi sổ ra dễ dàng khi vào chuyển dạ sinh.

Vỡ ối: Nhiều người nhầm tưởng rằng một khi vỡ ối là bé sẽ chào đời liền ngay sau đó. Thực tế, chỉ có một số ít bà bầu sinh ngay khi vỡ ối. Phần đông những phụ nữ khác thường mất tới vài giờ mới thực sự lâm bồn. Nhưng khi có dấu hiệu vỡ ối mẹ bầu cần di chuyển đến bệnh viện gần nhất.

Khi nhận thấy một trong những dấu hiệu sắp sinh ở trên mẹ bầu cần nhanh chóng thông báo cho người thân và tới bệnh viện phụ sản gần nhất để được hỗ trợ từ các bác sĩ chuyên khoa để ca sinh nở được thuận tiện và dễ dàng.