Lần đầu mang thai và những vấn đề mẹ cần biết
Xen lẫn với cảm giác hạnh phúc, vui sướng, mẹ mang thai lần đầu cũng gặp phải không ít bối rối về những thay đổi của cơ thể. Hơn nữa, do chưa có kinh nghiệm, mẹ bầu cũng có phần hơi “lơ là” việc chăm sóc bản thân và bé cưng trong bụng. Làm sao để có một thai kỳ suôn sẻ nhất? Chắc chắn không thể thiếu danh sách những điều cần biết khi mang thai MamanBébé giúp mẹ liệt kê sau đây. Đừng bỏ lỡ nhé!
1. Tìm hiểu các dấu hiệu mang thai
Danh sách những điều cần biết khi mang thai lần đầu chắc chắn không thể thiếu dấu hiệu mang thai sớm và đúng nhất. Một cách đơn giản nhất là sử dụng que thử thai tại nhà. Nếu kết quả mơ hồ, bạn có thể đến bệnh viện để được thực hiện những xét nghiệm cho kết quả chính xác hơn. Đôi khi các triệu chứng bạn gặp phải có thể là “báo động giả”.
2. Những buổi khám thai quan trọng
Từ lúc bắt đầu mang thai đến khi bé cưng chào đời, trung bình mỗi tháng mẹ bầu sẽ có lịch gặp bác sĩ ít nhất 1 lần. Các buổi khám thai là cơ hội để mẹ tìm hiểu sự phát triển của thai nhi cũng như biết rõ về tình hình sức khỏe hiện tại của mình. Đặc biệt, 3 buổi khám thai quan trọng sau đây, dù bận đến mấy mẹ cũng không được bỏ lỡ nhé!
Khám thai trong giai đoạn tuần thai 11-14: Bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm đo độ mờ da gáy trong thời điểm này. Đo độ mờ da gáy là xét nghiệm sàng lọc giúp phát hiện nguy cơ xuất hiện những bất thường nhiễm sắc thể.
Buổi khám thai từ tuần 21-24: Xét nghiệm trong giai đoạn này sẽ giúp phát hiện những dị tật thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, vấn đề nội tạng bất thường.
Giai đoạn tuần 30-32: Buổi khám thai trong giai đoạn này sẽ phát hiện những bất thường ở động mạch, tim và não của thai nhi.
3. Tìm hiểu lịch sử y tế gia đình
Thảo luận với mẹ, bà ngoại hoặc những người thân trong gia đình để biết chính xác những vấn đề di truyền hoặc dị tật thai nhi nào đó trong dòng họ. Điều này sẽ giúp bạn chuẩn bị tâm lý cũng như có biện pháp chủ động phòng ngừa thích hợp.
4. Tăng cân khi mang thai
Các chuyên gia khuyến cáo bà bầu nên tăng từ 11-16kg trong thời gian mang thai. Tuy nhiên, đây chỉ là con số mang tính tham khảo. Bà bầu nên tăng bao nhiêu kg còn tùy thuộc vào mức độ chuyển hóa dinh dưỡng và cân nặng trước khi mang thai. Chẳng hạn, những mẹ có thân hình mảnh mai nên tăng từ 12-18kg để đảm bảo cho sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Ngược lại, mẹ bầu có thân hình hơi “đầy đặn” chỉ nên tăng thêm 6-9kg trong suốt thời gian mang thai.
5.Nhận biết những dấu hiệu nguy hiểm
90% phụ nữ mang thai bị ốm nghén. Đây là hiện tượng rất phổ biến và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, những trường hợp bà bầu ốm nghén nặng không hấp thu được dinh dưỡng cần phải đến bệnh viện để truyền nước cũng như tham khảo ý kiến bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Tương tự, những triệu chứng khi mang thai tưởng chừng rất bình thường cũng có thể là dấu hiệu “báo động” vấn đề sức khỏe của mẹ và thai nhi. Bà bầu cần hết sức cẩn thận.
6. Cẩn trọng chuyện ăn uống
Không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mẹ, chế độ dinh dưỡng khi mang thai cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, mẹ cần lưu ý đặc biệt đến chuyện ăn uống, bởi chỉ cần một bất cẩn nhỏ, bé cưng có nguy cơ “lãnh đủ”.
Tốt nhất, mẹ nên duy trì một chế độ dinh dưỡng đa dạng, đủ các món, các nhóm chất. Tuy nhiên, bạn cũng nên cẩn thận với một số món bổ dưỡng nhưng lại nằm trong danh sách cấm với phụ nữ mang thai. Tham khảo trước danh sách những món cần tránh khi mang thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ lẫn con.
7. Một số lưu ý khác cho mẹ mang thai lần đầu
Khám thai càng sớm càng tốt ngay khi biết tin vui. Có như vậy, mẹ mới nhanh biết cách chăm sóc thai nhi đúng và đầy đủ nhất.
Tránh xoa bụng bầu nhiều khi mang thai. Hành động này có thể làm xuất hiện các cơn co thắt tử cung. Đặc biệt, càng về cuối thai kỳ, mẹ bầu càng cần tránh hành động xoa bụng.
Nếu không nhận được “lệnh cấm” từ bác sĩ, bạn và anh xã không cần kiêng cữ “chuyện yêu”. Chỉ cần tư thế hợp lý, hành động nhẹ nhàng, “chuyện ấy” sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi, ngược lại còn giúp gia tăng tình cảm vợ chồng.
Không chỉ trang bị kiến thức về thai kỳ, mẹ bầu cũng nên bắt đầu tìm hiểu những kiến thức cơ bản về chăm sóc trẻ sơ sinh. Tưởng chừng dài, nhưng chớp mắt, 40 tuần thai trôi qua nhanh không kịp trở tay đâu mẹ nhé!
Các mẹ hãy đọc thêm các tin tức mới của MamanBébé nhé!