Trẻ có phát ra âm thanh nghe như tiếng rít khi ho không? Vì sao trẻ lại ho khò khè? Có thể trẻ đã mắc viêm tiểu phế quản, hen suyễn hoặc một số bệnh khác. Tìm hiểu thêm về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị ho khò khè ngay cha mẹ nhé.

Ho khò khè do viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản xảy ra khi đường thở bị viêm và co thắt do một loại vi-rút xâm nhập vào các đường dẫn khí nhỏ trong phổi của trẻ. Đa số các trường hợp viêm tiểu phế quản là do virus hợp bào hô hấp (RSV), mặc dù virus Parainfluenza và Adenovirus cũng có thể là thủ phạm.

Viêm tiểu phế quản phổ biến nhất vào mùa đông và ở trẻ dưới 2 tuổi. Trẻ sinh non, trẻ từ 2 đến 6 tháng tuổi, trẻ bị bệnh phổi hoặc tim và trẻ chưa bao giờ được bú sữa mẹ có thể dễ mắc bệnh này.

Trẻ em mắc bệnh viêm tiểu phế quản do ho, hắt hơi hoặc các giọt đường hô hấp bị nhiễm trùng. Các triệu chứng ban đầu giống như cảm lạnh , bao gồm nghẹt mũi, hắt hơi và sốt. Thở nhanh, khó thở ra, ho khò khè và giảm lượng thức ăn có thể xuất hiện trong giai đoạn sau. 

Ở trẻ dưới một tuổi, viêm tiểu phế quản có thể trở nên đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Đó là bởi vì sự hình thành chất nhầy có thể khiến phổi mỏng manh của trẻ bị bịt kín, có thể dẫn đến viêm, xẹp mô phổi và nhiễm trùng phổi.

Ho khò khè do hen suyễn

Hen suyễn cũng có thể khiến trẻ hay ho khò khè

Ho và thở khò khè cũng có thể do hen suyễn - một bệnh mãn tính đặc trưng gây ra. Tình trạng này khởi phát khi đường thở của trẻ sưng lên do có sự tác động của yếu tố kích thích như bụi, bệnh tật, tập thể dục hoặc các chất gây dị ứng khác.  

Trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi hiếm gặp hen suyễn. Nguyên nhân gây bệnh chưa đc xác định rõ ràng mặc dù các chuyên gia tin rằng yếu tố di truyền có thể đóng một vai trò nào đó.

Nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn của trẻ cũng tăng lên nếu trẻ bị chàm hoặc dị ứng thức ăn, hoặc nếu tiền sử gia đình bị dị ứng hoặc hen suyễn. Trong cơn hen, đường thở bị sưng và co thắt, dẫn đến ho khò khè. Các triệu chứng khác có thể bao gồm nghẹt ngực, mệt mỏi và khó thở.

Các nguyên nhân khác gây ho khò khè ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi

Dưới đây là một số nguyên nhân khác gây ra ho khò khè ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi:

  1. Trẻ bị mắc dị vật như thức ăn hoặc đồ chơi trong đường thở
  2. Trẻ bị trào ngược axit giải phóng các chất trong dạ dày vào phổi
  3. Trẻ bị viêm phế quản hoặc viêm phổi
  4. Trẻ bị Croup, một bệnh nhiễm vi-rút liên quan đến ho
  5. Trẻ bị nghẹt mũi do cảm lạnh hoặc dị ứng

Điều trị ho khò khè ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi

Ho khò khè có thể được điều trị tại nhà theo phác đồ của bác sĩ

Hầu hết các trường hợp ho khò khè có thể được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, những trường hợp viêm tiểu phế quản nặng có thể phải nhập viện để điều trị suy hô hấp (bằng ống thở oxy) hoặc mất nước (bằng dịch truyền tĩnh mạch).

Khi điều trị ho khò khè tại nhà, cha mẹ không nên cho trẻ uống thuốc ho, siro ho. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết những loại thuốc này không hiệu quả đối với những trẻ dưới 6 tuổi và chúng không an toàn cho bất kỳ trẻ nào dưới 4 tuổi. Thay vào đó, hãy thử một số phương pháp điều trị ho khò khè tự nhiên cho trẻ nhỏ và trẻ mới biết đi như:

  1. Cho trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước. Uống đủ nước cũng làm lỏng chất nhầy trong đường hô hấp của bé. 
  2. Lắp máy phun sương làm mát trong phòng ngủ của trẻ. Độ ẩm bổ sung có thể làm giảm ho khò khè ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi.  
  3. Đặt trẻ ở tư thế thẳng đứng để mở đường thở. 
  4. Giảm nghẹt mũi bằng thuốc nhỏ mũi nước muối được bác sĩ kê đơn.
  5. Nếu trẻ bị sốt, cha mẹ có thể làm dịu cơn sốt bằng thuốc được bác sĩ chỉ định. Hãy nhớ tuân thủ liều lượng để đảm bảo an toàn cho trẻ. 
  6. Đừng hút thuốc gần trẻ.

Luôn theo dõi tình trạng của trẻ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu lạ và ứng phó kịp thời với tình trạng nguy hiểm do ho khò khè gây ra cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi.

Theo Parents.