Đối phó với nguy cơ trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh cùng những lời khuyên hữu ích từ chuyên gia
Bệnh tim bẩm sinh là thuật ngữ chung để chỉ các loại dị tật tim bẩm sinh ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tim. Cha mẹ hãy áp dụng những lời khuyên dưới đây của chuyên gia để phòng ngừa bệnh cho trẻ.
Nguyên nhân gây bệnh tim bẩm sinh
Bệnh tim bẩm sinh được gây ra khi một thứ gì đó phá vỡ sự phát triển bình thường của tim. Các chuyên gia cho rằng hầu hết các trường hợp, bệnh xảy ra khi có điều gì đó ảnh hưởng đến sự phát triển của tim trong 6 tuần đầu của thai kỳ. Không có nguyên nhân rõ ràng nào được xác định trong hầu hết các trường hợp mắc bệnh, tuy nhiên, một số yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
- Điều kiện di truyền
- Mẹ mắc bệnh tiểu đường
- Mẹ có thói quen uống nhiều rượu trong thai kỳ
- Mẹ bị nhiễm rubella trong 8 đến 10 tuần đầu của thai kỳ
- Mẹ bị cúm trong ba tháng đầu (3 tháng) của thai kỳ
- Mẹ sử dụng một số loại thuốc trong thai kỳ như thuốc trị mụn, thuốc chống động kinh, thuốc giảm đau ibuprofen...
- Hóa chất hoặc dung môi hữu cơ trong các sản phẩm như sơn móng tay, sơn, keo dán...
Chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh
Đôi khi có thể chẩn đoán trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh ngay sau khi sinh nếu có một số dấu hiệu hoặc triệu chứng đặc trưng của bệnh, chẳng hạn như da có màu xanh (tím tái)...
Để chắc chắn, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra tim của bé. Việc kiểm tra bao gồm việc quan sát em bé, cảm nhận mạch đập và lắng nghe trái tim của bé bằng ống nghe. Tiếng đập của tim đôi khi cũng được thu nhận.
Các xét nghiệm khác có thể được sử dụng để chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh là:
- Siêu âm tim
- Điện tâm đồ
- X-quang ngực
- Đo oxy xung
Điều trị bệnh tim bẩm sinh
Điều trị bệnh tim bẩm sinh tùy thuộc vào khiếm khuyết cụ thể mà trẻ mắc phải. Phần lớn các vấn đề về bệnh tim bẩm sinh là dị tật tim nhẹ và thường không cần điều trị, mặc dù có khả năng trẻ sẽ phải khám sức khỏe định kỳ để theo dõi sức khỏe trong suốt cuộc đời.
Các dị tật tim nặng hơn thường phải phẫu thuật hoặc can thiệp bằng ống thông (một ống rỗng mỏng được đưa vào tim qua động mạch) và theo dõi tim lâu dài trong suốt cuộc đời của người bệnh. Trong một số trường hợp, thuốc có thể được sử dụng để làm giảm các triệu chứng hoặc ổn định tình trạng trước và/hoặc sau khi phẫu thuật hoặc can thiệp kỹ thuật y tế.
Các biến chứng của bệnh tim bẩm sinh
Trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh có nhiều nguy cơ phát triển thêm các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như:
- Các vấn đề về phát triển
- Nhiễm trùng đường hô hấp
- Viêm nội tâm mạc
- Tăng huyết áp động mạch phổi
- Vấn đề về nhịp tim
- Đột tử do tim
- Suy tim
- Làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông bên trong tim và di chuyển lên phổi hoặc não
Đối phó với nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh
Không cha mẹ nào mong muốn con mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, do chưa xác định nguyên nhân cụ thể gây bệnh, nên không có cách nào đảm bảo chắc chắn 100% tránh sinh con mắc bệnh.
Dẫu vậy, nếu mẹ đang mang thai, những lời khuyên sau đây của chuyên gia có thể giúp giảm nguy cơ sinh con mắc bệnh tim bẩm sinh:
- Đảm bảo mẹ đã được chủng ngừa bệnh rubella và cúm
- Tránh uống rượu hoặc dùng thuốc
- Uống 400 microgam axit folic bổ sung mỗi ngày trong ba tháng đầu (12 tuần đầu) của thai kỳ - điều này làm giảm nguy cơ sinh ra một đứa trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, cũng như một số loại dị tật bẩm sinh khác
- Kiểm tra với bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi mẹ dùng bất kỳ loại thuốc nào trong khi mang thai, bao gồm cả các biện pháp dùng thảo dược và thuốc bán sẵn không kê đơn
- Tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm trùng
- Nếu mẹ bị tiểu đường, hãy đảm bảo rằng nó được kiểm soát
- Tránh tiếp xúc với dung môi hữu cơ, chẳng hạn như dung môi giặt khô, chất pha loãng sơn và chất tẩy sơn móng tay
Chúc mẹ áp dụng các biện pháp phòng ngừa thành công.
Theo NHS.