Trẻ bắt đầu mọc răng và cha mẹ không biết phải xử trí ra sao? Học cách quản lý sự khó chịu của cột mốc quan trọng này sẽ giúp cha mẹ bớt đau đầu với các vấn đề do mọc răng gây ra. Áp dụng theo sự tư vấn của chuyên gia ngay cha mẹ nhé.

Để ý các dấu hiệu mọc răng ở trẻ sơ sinh

Cha mẹ nên nhận biết các dấu hiệu mọc răng của trẻ từ sớm

Vào khoảng 4 tháng tuổi, lượng nước bọt của trẻ sẽ tăng lên và trẻ có thể ngậm mọi thứ trong tầm tay. Hai chiếc răng cửa dưới của bé có thể sẽ không mọc cho đến khi trẻ khoảng 6 tháng.

Tiếp theo, vào khoảng bốn đến tám tuần sau đó, hai chiếc răng cửa trên sẽ bắt đầu mọc. Sau đó, trẻ sẽ mọc một hoặc hai chiếc răng mới mỗi tháng cho đến khi có đủ 20 chiếc răng chính, vào khoảng 3 tuổi.

Việc mọc răng không gây sốt cao hoặc tiêu chảy cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bé có thói quen nhai các vật dụng để xoa bóp nướu nên rất dễ rước mầm bệnh vào người. Trong khi răng mọc, nướu của trẻ có thể bị sưng hoặc phát triển vết sưng được gọi với cái tên chuyên môn là tụ máu khi mọc răng. Khu vực này có thể bị bầm tím, nhưng nhìn chung không gây đau cho trẻ.

Làm dịu nướu của trẻ

Khi răng bắt đầu mọc lệch, điều này sẽ gây áp lực lên nướu. Để giảm đau cho trẻ, hãy làm ướt một chiếc khăn, vắt bớt nước và cho vào tủ lạnh hoặc tủ đông để làm lạnh, rồi dùng khăn này chườm lên nướu cho trẻ.

Núm ty giả làm bằng cao su cũng có tác dụng làm dịu nướu của bé. Tuy nhiên, một số loại sản phẩm chứa chất lỏng bên trong có thể quá cứng và gây bầm tím miệng vốn đã nhạy cảm của bé. Do vậy, cha mẹ nên lựa chọn sản phẩm cẩn thận và nên chọn các sản phẩm có chất liệu mềm cho bé dùng.

Bé cũng có thể thích cha mẹ xoa bóp nướu bằng ngón tay hoặc miếng gạc ẩm. Nếu trẻ hay quấy khóc, hãy thử cho trẻ uống một liều acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau nếu trẻ đã được ít nhất 6 tháng tuổi. Mọi loại thuốc được dùng cho trẻ cần được sự đồng ý của bác sĩ trước khi sử dụng.

Thiết lập thói quen lành mạnh cho trẻ

Học cách vệ sinh răng miệng đúng cách cũng là việc nên làm cho trẻ từ ngày đầu

Một số trẻ không mọc những chiếc răng đầu tiên cho đến khi chúng bước sang tuổi thứ nhất. Đây thường không phải là vấn đề đáng lo ngại, nhưng hãy đặt lịch hẹn với nha sĩ nhi khoa để thăm khám chắc chắn cho trẻ.

Trên thực tế, tất cả trẻ sơ sinh đều nên đến gặp nha sĩ khi được 12 tháng tuổi. Cha mẹ nên thảo luận và xin lời khuyên của nha sĩ về các vấn đề như mọc răng cho trẻ. Trong đó bao gồm:

  1. Việc lựa chọn kem đánh răng có chứa florua cho trẻ sử dụng
  2. Tìm hiểu xem núm vú giả nào phù hợp với trẻ
  3. Mút ngón tay cái và bình sữa có thể ảnh hưởng như thế nào đến răng của trẻ
  4. Tìm hiểu các phương pháp làm sạch răng phù hợp với trẻ

Tất cả những vấn đề này đều quan trọng để duy trì một khuôn miệng và hàm răng khỏe mạnh cho trẻ sơ sinh. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên chú ý thực hiện các biện pháp phòng chống sâu răng và các bệnh răng miệng khác cho trẻ theo lời khuyên của bác sĩ.

Theo NHS.