Cách hay để giải nhiệt mùa hè cho bé
Vào mùa hè, thời tiết trở nên nóng nực, và không khí oi nóng sẽ khiến cơ thể chúng ta trở nên bức bối. Trẻ con cũng như bạn, chúng cũng cảm thấy khó chịu dù không biết mở lời như thế nào. Một số cách hay để giải nhiệt mùa hè cho bé.
Bổ sung thực phẩm thanh nhiệt và nước là cách giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn trong mùa nóng
Khi trẻ bị nóng trong thường xuất hiện những bệnh như: nhiệt miệng, rôm sảy, lở loét miệng, trẻ không muốn ăn, quấy khóc khi ngủ… đặc biệt hơn trẻ còn bị đổ máu cam. Chính vì vậy, việc giải nhiệt cho trẻ trong những ngày nắng thật cần thiết. Cùng tìm hiểu một số cách hay giải nhiệt mùa hè cho bé:
Bổ sung nhiều nước cho bé
Trong những ngày nắng nóng, trẻ thường mất một lượng nước rất lớn qua mồ hôi. Đối với những trẻ dưới 6 tháng tuổi, các mẹ nên tăng lượng bú hơn so với những ngày thường, đối với trẻ lớn hơn thì khuyến khích con uống nước nhất là khi trẻ nô đùa chạy nhảy nhiều. Các bé trong độ tuổi tập bò, tập đi cũng cần bổ sung nhiều nước hơn, vì trẻ tốn nhiều năng lượng để hoạt động.
Bổ sung thực phẩm thanh nhiệt
Những ngày oi nóng, cơ thể bé luôn cảm thấy nóng nực, bức bối và khó chịu, các mẹ nên cho bé ăn nhiều hơn ngày thường nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt như: rau dền, rau muống, mồng tơi, dưa hấu, rau má, bí… vì chúng giúp mang lại cảm giác mát mẻ, đồng thời cung cấp nhiều vitamin cho cơ thể, bổ sung chất xơ, rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé. Nên chia nhỏ bữa ăn của trẻ, khẩu phần ăn có nhiều canh rau, ít dầu mỡ…
Ngoài ra, có thể giúp trẻ chống chọi với cơn nóng, tránh rôm sảy, mẩn ngứa bằng cánh cho bé ăn bổ sung bằng những bữa ăn bổ mát như: chè hạt sen, sữa, sữa chua, bánh flan… Bổ sung các loại nước có nhiều chất dinh dưỡng như: sữa tươi, sữa đậu nành, sữa chua uống, sinh tố, nước ép trái cây tươi…
Tắm các loại nước lá cây
Theo dân gian, các cụ xưa thường xuyên tắm lá cây cho trẻ nhỏ, giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn trong những ngày nóng. Lá khế, sài đất, mướp đắng, chè xanh là một số loại lá giúp bé giải nhiệt, chống rôm sảy mùa hè. Tuy nhiên các mẹ cần lưu ý các loại lá phải được rửa sạch, tránh có lông tơ, phấn hoa gây ngứa rát. Các mẹ cần lưu ý: nấu chín để nguội rồi tắm cho bé, tránh vò lá sống vì có thể gây nhiễm khuẩn da.
Ngoài việc chú y đến đến ăn uống, bổ sung nước cho trẻ, các mẹ cũng cần lưu ý:
Không nên cho trẻ ăn quá nhiều đạm
Chất đạm rất cần thiết vì nó có nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể trẻ tuy nhiên ăn quá nhiều đạm cũng dẫn đến hiện tượng nóng trong người, bởi có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của thận như áp lực lọc cầu thận tăng cao, gây mất nước khiến trẻ dễ mệt mỏi, cáu gắt, miệng khô, khát nước liên tục, táo bón, dễ nổi rôm sảy…
Thế nên, tuỳ độ tuổi mẹ nên biết cân bằng lượng đạm trong bửa ăn hằng ngày của bé. Lượng đạm động vật trong khẩu phần ǎn nên đạt từ 50 – 60 %. Tuy nhiên nếu phối hợp tốt đạm động vật với đạm thực vật (đậu đỗ, vừng, lạc…) sẽ tạo nên sự cân đối giúp hấp thu và sử dụng đạm tốt hơn.
Tránh xa những món gây khó tiêu, nhiều dầu mỡ
Một số chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, vào mùa nóng tốt nhất là cho trẻ ăn thức ăn nhạt, dễ tiêu hóa và ít dầu mỡ. Tránh nấu ăn quá mặn khiến trẻ dễ bị khát nước, khô miệng. Đặc biệt, hạn chế tối đa các món rán xào nhiều dầu mỡ, nhiều năng lượng như khoai tây chiên, gà rán… vì các món này nhiều protein, ít chất xơ lại được chiên ngập dầu nên dễ khiến trẻ khát nước, no hơi và táo bón.