Nổi mề đay là một trong những dạng phát ban dị ứng dễ gặp nhất ở trẻ em. Cha mẹ tìm hiểu các nguyên nhân thường gặp và cách điều trị nổi mề đay ở trẻ em ngay nhé.

Nguyên nhân nào gây nổi mề đay?

Nổi mề đay ở trẻ em hầu như là một phản ứng dị ứng. Nhưng cố gắng xác định chính xác nguyên nhân gây dị ứng thực sự rất khó. Một trường hợp phát ban nhẹ thường khỏi trong vòng 24 giờ. Vì vậy, cha mẹ có cơ hội tốt nhất để xác định nguyên nhân gây bệnh trong thời điểm này.

Một số các tác nhân phổ biến nhất gây nổi mề đay ở trẻ em là:

  1. Thuốc
  2. Món ăn
  3. Phấn hoa và chất kích ứng vật nuôi
  4. Côn trùng đốt, đặc biệt là từ ong, muỗi, và bọ chét
  5. Cây thường xuân độc
  6. Kim loại từ đồ trang sức
  7. Sữa tắm và xà phòng

Các chuyên gia hiếm khi thấy nổi mề đay ở trẻ nhỏ vì các phản ứng dị ứng được kích hoạt bởi hệ thống miễn dịch. Khi một đứa trẻ được khoảng 2 tuổi, trẻ sẽ có khả năng thích ứng với điều kiện hoặc phát triển dị ứng với điều kiện đó. Hệ thống miễn dịch trở nên trưởng thành hơn và có khả năng phản ứng khi trẻ dần lớn lên. Vì vậy, trẻ càng lớn, nguy cơ nổi mề đay càng giảm.

Các triệu chứng nổi mề đay

Nổi mề đay có triệu chứng dễ nhận biết nhất là da trẻ nổi các vết mẩn đỏ và gây ngứa. Các đốm đỏ, có thể bao phủ một phần nhỏ hoặc lớn của cơ thể. Chúng có thể nhỏ bằng đầu đinh nhọn hoặc lớn bằng đĩa ăn. Trong trường hợp các vết mẩn đỏ lớn hơn, các vùng da đỏ liên kết với nhau để tạo thành các mảng thậm chí lan rộng hơn.

Ngoài ra, cảm giác ngứa ngáy là dấu hiệu nhận biết và điểm khác biệt của nổi mề đay với các phản ứng dị ứng khác. Cha mẹ nên tìm hiểu và áp dụng các biện pháp giảm cảm giác khó chịu này cho trẻ.

Nổi mề đay khiến da trẻ xuất hiện các vùng nổi mẩn, gây ngứa

Bên cạnh đó, nổi mề đay có thể kèm theo phù mạch, sưng tấy bên dưới bề mặt da. Cha mẹ nên đặc biệt chú ý đến bất kỳ vết sưng tấy nào vì dấu hiệu này có thể dẫn đến các vấn đề hô hấp nghiêm trọng cho trẻ.

Thêm nữa, phù mạch có thể gây sưng cổ họng hoặc lưỡi, thở khò khè, khó thở và tức ngực cho trẻ. Nếu cha mẹ thấy bất kỳ triệu chứng nào ở trẻ, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.

Điều trị nổi mề đay

Cha mẹ có thể điều trị nổi mề đay ở trẻ em tại nhà với các loại thuốc được bác sĩ kê đơn. Thuốc kháng histamine, kem bôi cortisone 0,5 hoặc 1% có thể giúp loại bỏ một số nốt phát ban cho trẻ.

Trong hầu hết các trường hợp, phát ban sẽ biến mất trong vòng 24 giờ, đặc biệt là phát ban chỉ ảnh hưởng đến một phần nhỏ của cơ thể trẻ. Cha mẹ nên đưa trẻ gặp bác sĩ nếu tình trạng nổi mề đay nghiêm trọng hơn, trong đó bao gồm các triệu chứng: Nổi mề đay ở khắp cơ thể, kèm theo ngứa không kiểm soát được hoặc sưng quá mức, kéo dài trong một thời gian dài...

Nổi mề đay kèm theo phù mạch cũng cần sự chăm sóc của bác sĩ. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng histamine mạnh hơn hoặc thuốc uống steroid để giảm sưng cho trẻ. Và trong trường hợp hiếm hoi mà phản ứng dị ứng trở nên nguy hiểm đến tính mạng, trẻ có thể cần tiêm epinephrine để cải thiện tình hình.

Phòng chống nổi mề đay

Việc xác định nguyên nhân gây nổi mề đay giúp cha mẹ phòng chống bệnh cho trẻ

Cách tốt nhất để phòng chống nổi mề đay là cố gắng xác định yếu tố gây dị ứng. Bác sĩ bắt đầu chữa bệnh bằng cách hỏi những điều mới mà trẻ đã được tiếp xúc, bao gồm thức ăn mới, xà phòng mới hoặc một món đồ trang sức mới. Sau đó, trẻ sẽ được thử nghiệm dị ứng trên da.

Nếu cha mẹ có thể xác định được yếu tố gây dị ứng, thì việc tránh yếu tố này sẽ giúp tránh cho trẻ bị nổi mề đay. Cha mẹ không nên mạo hiểm thực hiện phản ứng khác trong khi thử nghiệm xem liệu dị ứng đã biến mất.

Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về khả năng gây dị ứng, xét nghiệm máu sẽ được thực hiện để tìm kiếm các kháng thể đã được hình thành để phản ứng với các kháng nguyên đã xâm nhập vào cơ thể và khiến hệ thống miễn dịch phản ứng bằng cách giải phóng histamine. Histamine khiến thành mạch máu rò rỉ huyết tương đến các mô xung quanh. Kết quả là trẻ bị phát ban trên bề mặt da.

Nổi mề đay thường được phân loại theo dạng cấp tính hoặc mãn tính. Nổi mề đay cấp tính thường gặp ở trẻ em và rất có thể do phản ứng dị ứng gây ra. Nổi mề đay mãn tính (kéo dài hơn sáu tuần) còn nhiều điều bí ẩn, nhưng rất hiếm xảy ta với trẻ.

Lưu ý: Mọi thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.

Theo Parents.