Trong thai kỳ, sức khỏe tinh thần của mẹ bầu dễ bị tổn thương và lo lắng hơn. Ở mức độ nặng, mẹ bầu còn có thể bị trầm cảm. Hãy áp dụng các mẹo chăm sóc sức khỏe tinh thần sau cho mẹ bầu có thai kỳ khỏe mạnh.

Sức khỏe tinh thần của mẹ bầu trong thai kỳ

Sức khỏe tinh thần của mẹ bầu dễ thay đổi trong thai kỳ

Mẹ bầu có những trạng thái thay đổi tâm lý trong thai kỳ là một chuyện bình thường, dù trước đó, mẹ là người bình thường hay người đã mắc sẵn các bệnh tâm lý.

Tuy nhiên, nếu là người đã mang sẵn bệnh hoặc đã từng mắc bệnh trong quá khứ, mẹ bầu có nhiều khả năng bị bệnh khi mang thai hoặc trong năm đầu sau khi sinh hơn những thời điểm khác trong đời. Mẹ có thể mắc các dấu hiệu của bệnh tâm thần bao gồm rối loạn cảm xúc lưỡng cực, trầm cảm nặng và rối loạn tâm thần.

Một số mẹ bầu có tiền sử bệnh tâm thần nặng vẫn khỏe mạnh trong khi mang thai nhưng nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng ở mỗi người là khác nhau. Do vậy, việc điều trị và đối phó với các triệu chứng bất ổn của tinh thần ở mỗi mẹ bầu có sự khác biệt.

Các mẹo chăm sóc sức khỏe tinh thần cho mẹ bầu trong thai kỳ

Dưới đây, chuyên gia sẽ hướng dẫn một số mẹo chăm sóc sức khỏe tinh thần cho mẹ bầu:

Khi mẹ chán nản hoặc lo lắng

Nếu cảm thấy chán nản đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của mẹ nhưng mẹ không mắc bệnh tâm thần cụ thể, mẹ nên trò chuyện cùng một bác sĩ tâm lý hoặc bác sĩ sản khoa để được hỗ trợ kiểm soát cảm xúc của mình. Các biện pháp điều trị tâm lý (thường là liệu pháp hành vi nhận thức hoặc liệu pháp tâm lý) sẽ được áp dụng nếu mẹ bị lo âu hoặc trầm cảm.

Khi mẹ trầm cảm

Mang thai và sinh nở có thể gây ra trầm cảm ở một số phụ nữ. Các triệu chứng có thể cho thấy mẹ đang bị trầm cảm bao gồm:

  1. Cảm thấy buồn và tuyệt vọng
  2. Suy nghĩ tiêu cực về bản thân
  3. Ngủ không ngon, ngay cả khi trẻ không quấy hoặc ngủ quá nhiều
  4. Thiếu hứng thú hoặc niềm vui khi làm mọi việc hoặc ở bên mọi người
  5. Ăn không ngon miệng

Nếu bị trầm cảm, mẹ hãy nói chuyện với bác sĩ và thảo luận về các lựa chọn điều trị cho bản thân. Ngoài ra, sự đồng hành và cảm thông của chồng cũng như các thành viên khác trong gia đình cũng đóng một vai trò quan trọng giúp mẹ bầu vượt qua căn bệnh đáng sợ này.

Thêm vào đó, tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh, bác sĩ có thể kê thuốc cho mẹ sử dụng. Mẹ và bác sĩ nên thảo luận về rủi ro của việc điều trị hoặc không điều trị bệnh, cũng như những rủi ro đối với thai nhi đang phát triển khi dùng thuốc hoặc cảm thấy không khỏe trong thai kỳ.

Dùng thuốc có thể mang lại những rủi ro cho thai nhi, nhưng nếu mẹ không dùng thuốc đã được kê hoặc ngừng dùng thuốc, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng và đây cũng có thể là một rủi ro.

Cuộc thảo luận với bác sĩ nên bao gồm:

  1. Mức độ nghiêm trọng của bất kỳ bệnh tâm thần nào trước đây
  2. Nguy cơ mẹ trở nên không khỏe
  3. Liệu mẹ có thể sống tốt mà không cần thuốc
  4. Phương pháp điều trị nào đã được áp dụng trong quá khứ
  5. Nguy cơ đối với thai nhi là gì
  6. Liệu các lựa chọn có ảnh hưởng đến việc cho con bú hay không
Ăn uống lành mạnh cũng là một mẹo chăm sóc sức khỏe tinh thần cho mẹ bầu

Bên cạnh việc chia sẻ tâm trạng với người thân và bác sĩ, các chuyên gia khuyến khích mẹ bầu nên áp dụng các mẹo chăm sóc sức khỏe tinh thần sau:

  1. Tìm kiếm những điều tích cực trong cuộc sống, dù điều đó có vẻ khó khăn
  2. Dành thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn
  3. Chia sẻ cởi mở về cảm xúc của bản thân với bất kỳ ai mẹ tin tưởng
  4. Yêu cầu được giúp đỡ với những công việc thiết thực như đi chợ và làm việc nhà
  5. Tìm hiểu về các hội, nhóm hỗ trợ mẹ bầu và nuôi con nhỏ (đặc biệt là các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần)
  6. Ăn uống tốt (tìm hiểu thêm về chế độ ăn uống lành mạnh trong thai kỳ )
  7. Tổ chức các hoạt động nhỏ mỗi ngày, chẳng hạn như tập thể dục hoặc uống cà phê với bạn bè

Chúc mẹ áp dụng các mẹo trên thành công và có sức khỏe tinh thần thật tốt trong thai kỳ.

Theo NHS.