Viêm tiểu phế quản là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới phổ biến ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Cha mẹ cùng tìm hiểu những ảnh hưởng của bệnh tới sức khỏe của trẻ ngay.

Nguyên nhân gây bệnh

Viêm tiểu phế quản hầu như luôn luôn do nhiễm virut. Trong hầu hết các trường hợp, virus hợp bào hô hấp (RSV) là nguyên nhân gây bệnh. RSV là một loại virus rất phổ biến và hầu như tất cả trẻ em đều bị nhiễm virus này khi chúng dưới 2 tuổi. Ở trẻ lớn hơn và người lớn, RSV có thể gây ho hoặc cảm lạnh, nhưng ở trẻ nhỏ, virus có thể gây viêm tiểu phế quản.

Cách lây nhiễm

Virus lây lan khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Những giọt bắn nhỏ bé được người bình thường hít vào trực tiếp từ không khí hoặc qua tiếp xúc với bề mặt, chẳng hạn như đồ chơi hoặc đồ dùng trong nhà.

Trẻ có thể bị nhiễm viêm tiểu phế quản theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp

RSV có thể tồn tại trên bề mặt đến 24 giờ sau khi được giải phóng vào không khí. Một đứa trẻ bị nhiễm bệnh vẫn có thể lây nhiễm cho người khác đến 3 tuần sau đó, ngay cả khi các triệu chứng của chúng đã biến mất.

Triệu chứng của bệnh

Các triệu chứng ban đầu của viêm tiểu phế quản tương tự như cảm lạnh thông thường, chẳng hạn như chảy nước mũi và ho. Các triệu chứng khác sau đó thường phát triển trong vài ngày sau khi trẻ nhiễm bệnh, bao gồm:

  1. Sốt nhẹ
  2. Ho khan và dai dẳng
  3. Khó cho ăn hoặc trẻ bỏ ăn
  4. Trẻ thở nhanh, thở dốc hoặc thở khò khè
  5. Cáu kỉnh
  6. Nôn trớ
  7. Trẻ bú ít hơn và tã ướt ít hơn

Hầu hết các trường hợp viêm tiểu phế quản không nghiêm trọng, nhưng các triệu chứng có thể rất đáng lo ngại. Các triệu chứng thường nặng nhất từ ​​ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 nhưng với triệu chứng ho thường thuyên giảm trong vòng 3 tuần.

Điều trị bệnh viêm tiểu phế quản

Trong hầu hết các trường hợp, viêm tiểu phế quản nhẹ và khỏi bệnh trong vòng 2 đến 3 tuần mà không cần điều trị. Một số ít trẻ sẽ vẫn có một số triệu chứng sau 4 tuần. Trong một số trường hợp, nhiễm trùng nặng đến mức cần phải điều trị tại bệnh viện.

Để điều trị bệnh dứt điểm cho trẻ, cha mẹ hãy tuân thủ liệu trình của bác sĩ

Khi điều trị bệnh tại nhà, cha mẹ hãy chú ý:

  1. Luôn quan sát và theo dõi trẻ thường xuyên, kể cả vào ban đêm
  2. Giữ trẻ thẳng đứng có thể giúp trẻ thở dễ dàng hơn, điều này đặc biệt hữu ích khi trẻ cố gắng bú
  3. Đảm bảo trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước
  4. Cha mẹ không hút thuốc ở nhà vì hút thuốc lá thụ động có thể ảnh hưởng đến niêm mạc đường hô hấp của trẻ, khiến trẻ kém khả năng chống nhiễm trùng và dễ tái phát bệnh trong tương lai
  5. Nếu trẻ bị sốt, cha mẹ có thể xin ý kiến của bác sĩ và dùng paracetamol hoặc ibuprofen, tùy theo độ tuổi của trẻ để hạ sốt
  6. Nước muối nhỏ mũi có tác dụng giảm sổ mũi ở trẻ cần được sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ

Biến chứng của bệnh

Các biến chứng tiềm ẩn của viêm tiểu phế quản bao gồm:

  1. Da tím tái (do thiếu oxy)
  2. Mất nước
  3. Mệt mỏi và thiếu năng lượng
  4. Suy hô hấp nặng (không có khả năng tự thở và phải được hỗ trợ)

Trong một số trường hợp hiếm hoi, viêm tiểu phế quản có thể đi kèm với nhiễm trùng phổi do vi khuẩn và phát triển thành viêm phổi. Khi bị viêm phổi, trẻ sẽ cần nhập viện và được điều trị riêng.

Liên hệ với bác sĩ hoặc gọi cấp cứu ngay lập tức nếu có bất kỳ biến chứng nào xảy ra với trẻ.

Ảnh hưởng lâu dài của viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản thường không gây ra các vấn đề về hô hấp lâu dài, nhưng nó có thể làm tổn thương các tế bào trong đường thở của trẻ. Tổn thương này có thể kéo dài từ 3 đến 4 tháng ở một số trẻ, gây ra chứng thở khò khè và ho dai dẳng.

Khả năng hô hấp trong cuộc sống sau này

Có thể có mối liên hệ giữa viêm tiểu phế quản và sự phát triển các bệnh lý hô hấp như hen suyễn trong cuộc sống sau này của trẻ. Tuy nhiên, mối liên kết này không được khẳng định chắc chắn.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy không rõ liệu bị viêm tiểu phế quản khi còn nhỏ có làm tăng nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn sau này hay không, hoặc liệu có các yếu tố môi trường hoặc di truyền gây ra cả viêm tiểu phế quản và hen suyễn hay không. Nếu trẻ bị viêm tiểu phế quản tái phát nhiều lần, nguy cơ mắc bệnh hen suyễn sau này có thể tăng lên.

Theo NHS.