Ảnh hưởng lâu dài của bệnh tiểu đường thai kỳ đối với mẹ bỉm sữa sau sinh
Tiểu đường thai kỳ là chứng bệnh có biểu hiện lượng đường trong máu (glucose) cao, phát triển trong thai kỳ và thường biến mất sau khi sinh. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể gây nên những ảnh hưởng lâu dài tới mẹ bỉm sữa.
Bệnh tiểu đường thai kỳ là gì?
Bệnh tiểu đường thai kỳ là chứng bệnh mà lượng đường trong máu (glucose) phát triển cao trong thai kỳ và thường biến mất sau khi sinh. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, nhưng phổ biến hơn trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba.
Bệnh xảy ra khi cơ thể mẹ không thể sản xuất đủ insulin – một loại hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu, để đáp ứng nhu cầu bổ sung của cơ thể mẹ trong thai kỳ.
Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể gây ra các vấn đề cho mẹ và em bé trong khi mang thai và sau khi sinh. Nhưng rủi ro có thể được giảm bớt nếu tình trạng bệnh được phát hiện sớm và kiểm soát tốt.
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường thai kỳ
Bệnh tiểu đường thai kỳ thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Hầu hết các trường hợp chỉ được phát hiện khi lượng đường trong máu của mẹ được kiểm tra trong quá trình tầm soát bệnh tiểu đường thai kỳ. Một số mẹ bầu có thể xuất hiện các triệu chứng nếu lượng đường trong máu của họ quá cao (tăng đường huyết), chẳng hạn như:
- Tăng độ khát nước
- Cần đi tiểu thường xuyên hơn bình thường
- Miệng khô
- Mệt mỏi
Nhưng các triệu chứng này thường gặp khi mang thai và không nhất thiết là dấu hiệu của bệnh tiểu đường thai kỳ. Mẹ bầu nên nói chuyện với bác sĩ nếu lo lắng về bất kỳ triệu chứng nào đang gặp phải.
Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể ảnh hưởng như thế nào đến thai kỳ
Hầu hết mẹ bầu mắc bệnh tiểu đường thai kỳ đều có thai kỳ bình thường với những đứa trẻ khỏe mạnh được ra đời. Tuy nhiên, bệnh tiểu đường thai kỳ có thể gây ra các vấn đề như:
- Bé phát triển lớn hơn bình thường – điều này có thể dẫn đến khó khăn trong quá trình sinh nở và làm tăng khả năng cần phải sinh mổ
- Polyhydramnios – quá nhiều nước ối trong bụng mẹ, có thể gây chuyển dạ sớm hoặc các vấn đề khi sinh
- Sinh non – sinh trước tuần thứ 37 của thai kỳ
- Tiền sản giật – một tình trạng gây ra huyết áp cao trong thai kỳ và có thể dẫn đến các biến chứng thai kỳ nếu không được điều trị
- Bé có lượng đường trong máu thấp hoặc vàng da và mắt sau khi sinh, có thể phải điều trị tại bệnh viện
- Thai chết lưu mặc dù điều này là hiếm
- Mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cũng có nghĩa là mẹ có nhiều nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trong tương lai.
Ảnh hưởng lâu dài của bệnh tiểu đường thai kỳ đối với mẹ bỉm sữa sau sinh
Bệnh tiểu đường thai kỳ thường sẽ biến mất sau khi sinh. Nhưng những mẹ bầu từng mắc bệnh này có nhiều khả năng bị:
- Tiểu đường thai kỳ một lần nữa trong những lần mang thai trong tương lai
- Bệnh tiểu đường tuýp 2 – chứng bệnh mãn tính suốt đời
Mẹ nên xét nghiệm máu để kiểm tra bệnh tiểu đường từ 6 đến 13 tuần sau khi sinh và sau đó mỗi năm một lần nếu kết quả bình thường. Hãy đến gặp bác sĩ nếu mẹ xuất hiện các triệu chứng của lượng đường trong máu cao mà không cần đợi đến lần kiểm tra tiếp theo, chẳng hạn như tăng cảm giác khát, đi tiểu thường xuyên hơn bình thường và khô miệng.
Mẹ nên làm các xét nghiệm ngay cả khi cảm thấy khỏe, vì nhiều người bị bệnh tiểu đường không có bất kỳ triệu chứng nào. Mẹ cũng sẽ được tư vấn về những điều mẹ có thể làm để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, như duy trì cân nặng hợp lý, ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên.
Một số nghiên cứu đã cho thấy con của những bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ có thể dễ bị tiểu đường hoặc béo phì hơn sau này.
Tầm soát bệnh tiểu đường thai kỳ
Trong cuộc hẹn khám thai đầu tiên vào khoảng tuần thứ 8 đến 12 của thai kỳ, bác sĩ sẽ hỏi mẹ một số câu hỏi để xác định xem mẹ có tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ hay không.
Nếu có 1 hoặc nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường thai kỳ, mẹ nên làm xét nghiệm sàng lọc. Xét nghiệm sàng lọc được gọi là xét nghiệm dung nạp glucose qua đường miệng (OGTT), diễn ra trong khoảng 2 giờ.
Quá trình sàng lọc bao gồm việc xét nghiệm máu vào buổi sáng, khi mẹ chưa ăn gì trong 8 đến 10 giờ trước. Sau khi kiểm tra xong, mẹ có thể uống một chút nước có đường. Trong 2 giờ tiếp đó, một mẫu máu khác sẽ được lấy để xem cơ thể mẹ xử lý glucose như thế nào.
OGTT được thực hiện khi mẹ mang thai từ 24 đến 28 tuần. Nếu mẹ đã bị tiểu đường thai kỳ trước đó, mẹ sẽ được cung cấp OGTT sớm hơn trong thai kỳ, có thể là ngay trong lần khám thai đầu tiên. Một OGTT khác sẽ được thực hiện vào tuần thai thứ 24 đến 28 nếu xét nghiệm đầu tiên bình thường.
Theo NHS.