Xử lý thoát vị rốn cho trẻ và những điều cha mẹ cần lưu ý
Thoát vị rốn có thể xảy ra với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là ở trẻ sinh non. Cha mẹ cần trang bị những kiến thức gì và xử lý thoát vị rốn cho trẻ như thế nào thì đúng cách? Cùng chuyên gia khám phá ngay nhé.
Thoát vị rốn là gì?
Thoát vị rốn rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là ở trẻ sinh non. Thoát vị rốn xuất hiện dưới dạng một khối u không đau ở hoặc gần rốn của trẻ. Khối u có thể to hơn khi trẻ cười, ho, khóc hoặc đi vệ sinh và ngược lại, có thể co lại khi trẻ bất động hoặc nằm xuống.
Trong nhiều trường hợp, khối thoát vị rốn thụt vào trong và các cơ liền lại trước sinh nhật đầu tiên của trẻ. Thoát vị rốn cũng có thể xảy ra với người lớn. Nếu không điều trị, tình trạng thoát vị có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.
Nguyên nhân nào gây ra thoát vị rốn?
Trong thời kỳ mang thai, dây rốn đi qua một lỗ hở trong bụng của em bé. Lỗ này sẽ đóng lại ngay sau khi sinh, nhưng trong một số trường hợp, các cơ không đóng kín hoàn toàn. Điều này để lại một điểm yếu ở thành cơ xung quanh (thành bụng). Thoát vị rốn có thể phát triển khi mô mỡ hoặc một phần ruột chọc vào vùng gần rốn của trẻ.
Khi nào cần cho trẻ phẫu thuật?
Nếu cần thiết, thoát vị rốn có thể được điều trị bằng phẫu thuật để đẩy khối cơ trở lại vị trí cũ và củng cố điểm yếu ở thành bụng. Phẫu thuật này có thể được khuyến nghị cho trẻ nếu khối thoát vị lớn hoặc chưa biến mất khi trẻ được 3 hoặc 4 tuổi.
Thông thường, bác sĩ sẽ khuyên cha mẹ nên đợi con mình đến tuổi này vì cuộc phẫu thuật không cần thiết trừ khi có biến chứng. Nguy cơ trẻ phát triển các biến chứng do thoát vị rốn là rất thấp.
Phẫu thuật sẽ giúp loại bỏ khối thoát vị và ngăn ngừa bất kỳ biến chứng nghiêm trọng nào, mặc dù có khả năng bệnh quay trở lại sau cuộc phẫu thuật. Phẫu thuật thoát vị rốn là một thủ thuật tương đối đơn giản, thường mất khoảng 20 đến 30 phút. Thuốc gây mê được sử dụng để trẻ không có cảm giác đau khi tiến hành phẫu thuật.
Ở trẻ em, chỗ yếu ở thành bụng thường được khâu kín. Nếu khối thoát vị lớn hoặc ở người lớn, một tấm lưới đặc biệt có thể được sử dụng để tăng cường bảo vệ khu vực đó sau phẫu thuật.
Trẻ có thể được về nhà cùng ngày với ca mổ. Cảm giác hơi đau và khó chịu trong khi hồi phục là những điều bình thường sau khi phẫu thuật. Cha mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi ở nhà và hạn chế các hoạt động nặng trong một vài tuần sau khi phẫu thuật.
Có bất kỳ rủi ro nào từ phẫu thuật thoát vị rốn không?
Các biến chứng do phẫu thuật thoát vị rốn là không phổ biến, nhưng có thể bao gồm:
- Nhiễm trùng vết thương – vết thương có thể đỏ, chảy dịch vàng và đau hoặc sưng tấy
- Chảy máu
- Vỡ vết thương
- Thoát vị có thể trở lại
- Rốn có thể có hình dáng khác
Những biến chứng này xảy ra ở ít hơn 1/10 người (ít hơn 10%) sau phẫu thuật thoát vị rốn. Cha mẹ hãy đưa trẻ tới bệnh viện thăm khám và tuân theo lộ trình điều trị của bác sĩ để điều trị bệnh cho trẻ hiệu quả nhất.
Theo NHS.