Vì sao cha mẹ nên cho trẻ tầm soát u nguyên bào võng mạc?
U nguyên bào võng mạc là một loại ung thư mắt hiếm gặp, có thể ảnh hưởng đến trẻ nhỏ, thường là dưới 5 tuổi. Bệnh có thể gây nên nhiều ảnh hưởng xấu tới thị giác và sức khỏe của trẻ.
Nguyên nhân của u nguyên bào võng mạc
U nguyên bào võng mạc là bệnh ung thư của võng mạc mắt. Trong giai đoạn phát triển đầu đời của trẻ, các tế bào võng mạc mắt phát triển rất nhanh và sau đó ngừng phát triển. Nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi, một hoặc nhiều tế bào tiếp tục phát triển và tạo thành ung thư gọi là u nguyên bào võng mạc (ung thư mắt).
Trong khoảng 4/10 (40%) trường hợp, u nguyên bào võng mạc là do một gen bị lỗi, thường ảnh hưởng đến cả hai mắt của trẻ. Gen bị lỗi có thể được di truyền từ bố hoặc mẹ, hoặc sự thay đổi gen (đột biến) có thể xảy ra ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển thai nhi trong bụng mẹ.
Các dấu hiệu và triệu chứng của u nguyên bào võng mạc
Các dấu hiệu và triệu chứng của u nguyên bào võng mạc bao gồm:
- Có một vùng trắng bất thường trong đồng tử mắt của trẻ - thường trông giống như mắt mèo đang phản chiếu ánh sáng và có thể thấy rõ ràng trong các bức ảnh hoặc trong phòng tối hay khi có ánh sáng nhân tạo
- Trẻ nheo mắt nhiều
- Thay đổi màu sắc của mống mắt - ở 1 mắt hoặc đôi khi chỉ ở 1 vùng của mắt
- Mắt bị đỏ hoặc bị viêm – mặc dù trẻ thường không kêu đau
- Thị lực kém – trẻ có thể không tập trung vào khuôn mặt hoặc đồ vật, hoặc chúng không thể kiểm soát chuyển động của mắt (điều này thường xảy ra hơn khi cả hai mắt đều bị ảnh hưởng); trẻ có thể nói rằng trẻ không thể nhìn thấy tốt như đã từng
Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng này, cha mẹ nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ kiểm tra càng sớm càng tốt. Thật không bình thường khi u nguyên bào võng mạc tiến triển không được chú ý ở trẻ sau 5 tuổi. Các dấu hiệu ở trẻ lớn hơn bao gồm mắt đỏ, đau hoặc sưng, và một số trẻ mất thị lực ở mắt bị ảnh hưởng.
Điều trị u nguyên bào võng mạc
Phương pháp điều trị được đề nghị cho bệnh u nguyên bào võng mạc sẽ phụ thuộc vào giai đoạn của khối u, có thể là:
- Nội nhãn – nơi ung thư nằm hoàn toàn trong mắt
- Ngoại nhãn – nơi ung thư lan ra ngoài mắt đến các mô xung quanh hoặc đến một phần khác của cơ thể
Hầu hết các trường hợp u nguyên bào võng mạc (9 tên 10 trường hợp) được phát hiện sớm và điều trị thành công trước khi ung thư lan ra ngoài nhãn cầu. Nếu ung thư đã lan ra ngoài mắt, việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
Nhưng điều này hiếm khi xảy ra vì tình trạng bệnh thường được xác định rõ trước khi chuyển sang giai đoạn này. Tùy thuộc vào kích thước và vị trí của khối u, bác sĩ chuyên khoa sẽ phân giai đoạn ung thư chính xác và tiến hành điều trị kịp thời cho trẻ.
Các phương pháp điều trị u nguyên bào võng mạc sẽ bao gồm điều trị bằng laser cho mắt (quang đông hoặc nhiệt trị liệu) và đông lạnh khối u (phương pháp áp lạnh).
Mục đích của các phương pháp điều trị này là tiêu diệt khối u. Chúng được tiến hành sau khi gây mê toàn thân cho trẻ. Vì vậy, trẻ không cảm thấy đau hay khó chịu trong quá trình phẫu thuật.
Trong một số trường hợp, hóa trị có thể cần thiết trước hoặc sau khi điều trị và cũng áp dụng với các khối u có kích thước lớn. Ngoài ra, với loại khối u này, bác sĩ cũng có thể xạ trị cho trẻ.
Vì sao cha mẹ nên cho trẻ tầm soát u nguyên bào võng mạc?
Nếu mẹ đang mang thai và bị u nguyên bào võng mạc khi còn nhỏ hoặc có tiền sử gia đình bị u nguyên bào võng mạc, hãy nói với bác sĩ để được kiểm tra. Trong một số trường hợp, u nguyên bào võng mạc là một tình trạng di truyền và trẻ sơ sinh có nhiều nguy cơ phát triển bệnh này có thể được đề nghị sàng lọc sau khi sinh.
Nguy cơ của trẻ sẽ phụ thuộc vào loại u nguyên bào võng mạc mà mẹ hoặc người thân của mẹ mắc phải. Tầm soát nhằm xác định khối u càng sớm càng tốt và bắt đầu điều trị ngay lập tức.
Trẻ em dưới 5 tuổi thường được kiểm tra bằng cách khám mắt trong khi gây mê toàn thân. Trẻ sẽ cần được kiểm tra thường xuyên cho đến khi chúng được 5 tuổi và trong các trường hợp:
- Mẹ hoặc người thân đã bị u nguyên bào võng mạc và đang mong có con hoặc vừa mới sinh con
- Mẹ hoặc người thân đã bị u nguyên bào võng mạc và có một đứa con dưới 5 tuổi chưa được tầm soát bệnh
- Mẹ có một đứa con được chẩn đoán mắc bệnh u nguyên bào võng mạc và mẹ đang mong có thêm con, hoặc có những đứa trẻ khác dưới 5 tuổi chưa được kiểm tra
- Ông bà (hoặc anh/chị/em) của trẻ bị u nguyên bào võng mạc và trẻ dưới 5 tuổi chưa được tầm soát bệnh
Hãy đưa trẻ đi khám ngay để việc tầm soát u nguyên bào võng mạc đạt hiệu quả cao nhất.
Theo NHS.