Vì sao cha mẹ không được chủ quan khi trẻ mắc thể suy dinh dưỡng Kwashiorkor?
Kwashiorkor là một thể suy dinh dưỡng nặng mà bất cứ trẻ em nào cũng có thể mắc phải. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tới trẻ. Cha mẹ tìm hiểu lý do không được chủ quan khi trẻ mắc bệnh với hướng dẫn của chuyên gia ngay.
Nguyên nhân gây ra Kwashiorkor?
Kwashiorkor là một dạng suy dinh dưỡng nặng. Nguyên nhân chính của Kwashiorkor là do trẻ ăn không đủ protein hoặc các vitamin và khoáng chất thiết yếu khác cho quá trình phát triển.
Căn bệnh phổ biến nhất ở các nước kém hoặc đang phát triển với nguồn cung cấp thực phẩm hạn chế, vệ sinh kém và thiếu giáo dục về tầm quan trọng của việc cung cấp cho trẻ sơ sinh và trẻ em một chế độ ăn uống đầy đủ.
Kwashiorkor hiếm gặp ở các nước phát triển, nhưng đôi khi bệnh có thể xảy ra do cha mẹ chủ quan khiến trẻ bị bỏ bê, mắc bệnh lâu ngày, thiếu kiến thức về dinh dưỡng tốt hoặc chế độ ăn kiêng quá hạn chế. Mặc dù Kwashiorkor có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, bệnh phổ biến ở trẻ em hơn người lớn.
Các triệu chứng của Kwashiorkor
Dấu hiệu chính của Kwashiorkor là có quá nhiều chất lỏng trong các mô của cơ thể, gây sưng tấy dưới da (phù nề) cho trẻ. Dấu hiệu thường bắt đầu ở chân, nhưng có thể phát triển đến toàn bộ cơ thể, bao gồm cả mặt của trẻ. Ngoài phù nề, các triệu chứng của Kwashiorkor có thể bao gồm:
- Trẻ bị mất lượng cơ nhất định của cơ thể
- Bụng phình to
- Trẻ bị nhiễm trùng thường xuyên, hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng hơn hoặc lâu dài
- Trẻ có các mảng da đỏ, viêm, sậm màu và bong tróc
- Tóc khô, giòn, dễ rụng và có thể mất màu
- Trẻ không phát triển chiều cao
- Trẻ mệt mỏi hoặc cáu kỉnh
- Móng tay của trẻ bị rạn hoặc nứt
Chẩn đoán bệnh Kwashiorkor
Kwashiorkor thường có thể được chẩn đoán dựa trên ngoại hình của trẻ và các câu hỏi về chế độ ăn uống và chăm sóc của trẻ. Tuy nhiên, xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu có thể được thực hiện để loại trừ các bệnh lý khác.
Trẻ sẽ được bác sĩ thăm khám cụ thể khi đến bệnh viện và quá trình chẩn đoán có thể bao gồm các xét nghiệm để:
- Đo lượng đường trong máu và mức protein
- Kiểm tra xem gan và thận hoạt động tốt như thế nào bằng cách xét nghiệm nước tiểu và máu xem có thiếu máu không
- Đo mức vitamin và khoáng chất trong cơ thể
Các xét nghiệm khác có thể bao gồm đo tốc độ tăng trưởng, tính toán chỉ số khối cơ thể (BMI), đo hàm lượng nước trong cơ thể, lấy mẫu da (sinh thiết) hoặc tóc để xét nghiệm.
Vì sao cha mẹ không được chủ quan khi trẻ mắc Kwashiorkor?
Kwashiorkor có thể gây tử vong nếu không được điều trị hoặc điều trị muộn vì trẻ rất dễ bị nhiễm trùng. Đó là lý do vì sao các chuyên gia cảnh bảo cha mẹ không được phớt lờ các dấu hiệu trẻ mắc bệnh hoặc chủ quan không đưa trẻ đi bệnh viện điều trị bệnh sớm.
Điều trị bệnh Kwashiorkor
Nếu Kwashiorkor được phát hiện sớm, bệnh có thể được điều trị bằng thức ăn làm từ sữa công thức đặc biệt hoặc thức ăn điều trị dùng sẵn (RUTF). RUTF thường được tạo thành từ bơ đậu phộng, sữa bột, đường, dầu thực vật, các vitamin và khoáng chất bổ sung.
Trẻ cần được điều trị tích cực hơn tại bệnh viện trong những trường hợp nặng hoặc đã có biến chứng, chẳng hạn như nhiễm trùng. Điều trị tại bệnh viện thường bao gồm:
- Điều trị hoặc ngăn ngừa lượng đường huyết thấp
- Giữ ấm cơ thể - Kwashiorkor có thể khiến cơ thể khó tạo nhiệt hơn
- Điều trị mất nước bằng dung dịch bù nước công thức đặc biệt
- Điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh
- Điều trị thiếu hụt vitamin và khoáng chất
- Từ từ cho trẻ ăn lượng thức ăn nhỏ, sau đó tăng dần lượng thức ăn
Quá trình điều trị thường mất từ 2 đến 6 tuần.
Phục hồi sau khi mắc bệnh
Mức độ hồi phục của trẻ sau khi mắc Kwashiorkor phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng của trẻ khi bắt đầu điều trị. Nếu bắt đầu điều trị sớm, trẻ thường sẽ hồi phục tốt, mặc dù trẻ có thể phát triển chậm và thấp hơn các bạn cùng lứa tuổi. Nếu điều trị được bắt đầu trong giai đoạn sau của bệnh, trẻ có thể bị khuyết tật về thể chất và trí tuệ.
Theo NHS.