Phòng tránh biến chứng do quai bị gây ra cho trẻ nhỏ như thế nào thì đúng cách?
Các biến chứng do quai bị gây ra có thể ảnh hưởng tới trẻ khi trưởng thành. Cha mẹ cùng tìm hiểu cách phòng tránh biến chứng do quai bị gây ra cho trẻ nhỏ với sự tư vấn của các chuyên gia NHS ngay nhé.
Nguyên nhân gây quai bị
Quai bị gây ra bởi vi rút quai bị, thuộc họ vi rút được gọi là Paramyxovirus. Những loại vi rút thuộc họ này là nguồn lây nhiễm bệnh phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em. Khi trẻ bị quai bị, vi rút sẽ di chuyển từ đường hô hấp (mũi, miệng và cổ họng) vào tuyến mang tai (tuyến sản xuất nước bọt ở hai bên mặt), nơi nó bắt đầu sinh sôi làm cho các tuyến sưng lên.
Vi rút cũng có thể xâm nhập vào dịch não tủy (CSF) của trẻ, là chất lỏng bao quanh và bảo vệ não và cột sống của trẻ. Một khi vi rút đã xâm nhập vào CSF, nó có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như não, tuyến tụy, tinh hoàn (ở trẻ em trai và đàn ông) và buồng trứng (ở trẻ em gái và phụ nữ).
Các triệu chứng của quai bị
Các triệu chứng của bệnh quai bị thường phát triển từ 14 đến 25 ngày sau khi bị nhiễm vi rút quai bị (đây là thời kỳ ủ bệnh). Thời gian ủ bệnh trung bình là khoảng 17 ngày.
Sưng hai bên mang tai là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh quai bị. Vị trí này tập trung các tuyến chịu trách nhiệm sản xuất nước bọt. Chúng nằm ở hai bên khuôn mặt và ngay dưới tai của trẻ. Cả hai tuyến thường bị ảnh hưởng do sưng, mặc dù đôi khi chỉ có một tuyến bị ảnh hưởng. Vết sưng có thể gây đau, nhức và khó nuốt cho trẻ.
Các triệu chứng tổng quát hơn thường phát triển vài ngày trước khi các tuyến ở mang tai sưng lên. Chúng có thể bao gồm:
- Đau đầu
- Đau khớp
- Cảm thấy mệt mỏi
- Khô miệng
- Đau bụng nhẹ
- Ăn mất ngon
- Nhiệt độ cơ thể cao (sốt) từ 38◦C (100,4◦F) trở lên
Trong khoảng 1/3 trường hợp, bệnh quai bị không gây ra bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào.
Điều trị quai bị
Điều trị quai bị tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng cho đến khi hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại nhiễm trùng. Hiện không có thuốc điều trị vi rút quai bị. Nhiễm trùng thường khỏi trong vòng một hoặc hai tuần.
Điều trị quai bị đúng cách sẽ giúp trẻ phòng tránh biến chứng không mong muốn
Trong thời gian chờ đợi, các biện pháp dưới đây được chuyên khuyến khích cha mẹ thực hiện bởi sự hữu ích:
- Cho trẻ nghỉ ngơi trong phòng, cách ly trẻ với môi trường nhiều gió, không gian mở... cho đến khi các triệu chứng hết
- Có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ (không nên cho trẻ em từ 16 tuổi trở xuống dùng aspirin)
- Cho trẻ uống nhiều nước, nhưng tránh đồ uống có tính axit như nước trái cây vì chúng có thể gây kích ứng tuyến nước bọt mang tai; nước lọc đun sôi để nguội là chất lỏng tốt nhất để uống
- Chườm ấm hoặc chườm lạnh lên các tuyến bị sưng để giúp giảm đau
- Ăn thức ăn không cần nhai nhiều, chẳng hạn như súp, khoai tây nghiền và trứng chiên
Nếu các triệu chứng của trẻ không cải thiện sau 7 ngày hoặc đột ngột xấu đi, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn.
Biến chứng do quai bị gây ra
Quai bị là một chứng bệnh có thể điều trị bằng cách đơn giản mà không gây bất cứ rắc rối nào cho người bệnh sau khi khỏi. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể mang đến những biến chứng ảnh hưởng tới cuộc sống trưởng thành sau này của trẻ. Trong đó, phải kể đến các biến chứng về sinh sản.
Đối với bé trai mắc quai bị, trẻ có thể bị sưng tinh hoàn (viêm tinh hoàn) và đối với bé gái mắc quai bị, trẻ có thể bị sưng buồng trứng (viêm vòi trứng). Cả 2 biến chứng này đều có thể gây các vấn đề sản khoa nhưng chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy biến chứng có khả năng mạnh để gây vô sinh cho trẻ sau này.
Ngoài hai biến chứng trên, trẻ mắc quai bị có thể bị biến chứng như viêm màng não, viêm tụy, mất thính lực tạm thời... Hãy luôn tuân thủ các biện pháp điều trị đã được bác sĩ đề ra và áp dụng những lời khuyên trên để phòng tránh biến chứng do quai bị gây ra cho trẻ nhỏ thật đúng cách.
Theo NHS.