Những vấn đề về nhịp thở của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ!
Dựa vào nhịp thở của trẻ sơ sinh, mẹ sẽ biết khá nhiều về tình trạng sức khỏe của bé. Những mẹo theo dõi nhịp thở của trẻ sẽ giúp mẹ kịp thời nhận ra những biểu hiện bất thường khi chăm sóc con.
Nhịp thở bình thường của trẻ sơ sinh
Bé sơ sinh thở theo một chu kỳ nhất định, đi từ những lần hít và thở sâu và nhanh dần đến hít thở chậm và hơi thở nông dần. Chu kỳ này được gọi là hơi thở tuần hoàn. Việc bé thỉnh thoảng ngưng thở trong 1 vài giây là hoàn toàn bình thường. Ngay sau giai đoạn ngừng này, bé sẽ bắt đầu một chu kỳ thở mới với những hơi thở sâu dần.
Kiểu hít thở này sẽ kéo dài trong vài tháng đầu đời của bé. Nếu mẹ muốn chắc chắn nhịp thở bé sơ sinh đang bình thường, có thể thực hiện các bước sau:
Lắng nghe: Mẹ kề tai lại gần mũi và miệng của bé, lắng nghe tiếng thở. Hơi thở của bé có êm và đều không? Có khụt khịt hay có tiếng khò khè, rít hay không?
Quan sát: Nhìn ngực bé để nhận thấy rõ những chuyển động lên-xuống nhịp nhàng khi hít thở. Thỉnh thoảng, mẹ sẽ thấy bé hít ngực phồng lên và thụp xuống hơi mạnh, nhưng đừng lo lắng vì đây là hiện tượng bình thường ở trẻ mới sinh.
Cảm nhận: Mẹ có thể áp nhẹ má vào mũi bé để cảm nhận hơi thở của con.
Nhịp thở của trẻ sơ sinh hoàn toàn bình thường khi:
+ Bé từ 0 đến 6 tháng: Thở từ 30 đến 60 lần/ phút.
+ Bé từ 6 đến 12 tháng: Thở từ 24 đến 30 lần/phút.
+ Bé từ 1 đến 5 tuổi: 20 đến 30 lần/phút.
+ Bé từ 5 đến 12 tuổi: 12 đến 20 lần/phút.
Nhận biết bất thường trong nhịp thở của bé
Với những trường hợp dưới đây, mẹ nên theo dõi kỹ nhịp thở của bé và đưa con đến bệnh viện ngay khi cần thiết:
Bé thở trên 60 lần/phút
Trẻ sơ sinh thở mạnh, gấp có thể là do bé bị nóng, căng thẳng hoặc đang quấy khóc. Hiên tượng thở gấp sẽ ngừng lại sau khi mẹ bỏ bớt quần áo và điều chỉnh nhiệt độ phòng để làm mát cho bé, hoặc sau khi bé không còn khóc.
Nếu hiện tượng bé thở nhanh vẫn tiếp tục diễn ra, mẹ nên kiểm tra thân nhiệt xem bé có bị sốt hay không, Nếu bé vẫn tiếp tục thở trên 60 lần/phút, mẹ nên cho con đến gặp bác sĩ.
Bé ngưng thở trên 20 giây
Những khoảng ngừng trong nhịp thở trẻ sơ sinh trong vài giây sẽ là giới hạn an toàn. Việc bé ngưng thở trên 20 giây là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng. Mẹ nên làm theo các bước sau:
+ Nhờ người gọi cấp cứu
+ Mẹ để bé nằm ngửa, hơi ngửa đâu bé ra sau, để miệng bé hé ra một chút.
+ Dùng miệng mẹ đặt vào miệng bé và thổi hơi vào, sau đó rời khỏi miệng bé trong khoảng 1 giây. Lặp lại thao tác thổi hơi 4 lần nữa.
+ Ấn ngực bé 30 lần: Mẹ đặt 2 ngón tay vào giữa ngực bé, nhấn xuống 30 lần.
+ Thổi hơi cho bé 2 lần.
+ Tiếp tục lặp lại 30 lần ấn ngực và thổi hơi 2 lần.
+ Tiếp tục cho đến khi có nhân viên y tế đến trợ giúp hoặc bé đã thở trở lại.
Lỗ mũi bé phình ra mỗi lần hít vào
Chỉ khi bé gặp khó khăn trong việc hít thở như bị nghẹt mũi, cơ thể không lấy đủ oxy thì hai lỗ mũi mới phình ra mỗi lần bé thở.
Ngực lõm và co rút
Một dấu hiệu bất thường khác khi trẻ sơ sinh thở là khi giữa các xương sườn và phần giữa xương ức của bé bị lõm vào thấy rõ trong mỗi nhịp hít-thở.
Bé thở khò khè
Khi trẻ sơ sinh thở khò khè, rít hoặc khụt khịt chứng tỏ bé đang có trở ngại trong đường thở.
Ho và nôn ói
Đi kèm với những vấn đề như thở nhanh, gấp hoặc hơi thở nông, biểu hiện ho nhiều và nôn cũng là điều mẹ cần chú ý. Bé có thể đang bị nhiễm trùng đường hô hấp hoặc bị trào ngược dẫn đến viêm phổi.
Với những bí quyết “đọc vị” nhịp thở của trẻ sơ sinh kể trên, mẹ sẽ chủ động hơn trong việc theo dõi sức khỏe của con. Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, mẹ có thể đưa bé đến các phòng khám, bệnh viện nhi đồng gần nhất để được tư vấn. Các vấn đề liên quan đến hô hấp có thể trở nặng rất nhanh và dễ xảy ra biến chứng, do đó, mẹ vừa cần giữ bình tĩnh để xử lý đúng cách, vừa nên cảnh giác khi nhận thấy những biểu hiện hiện không bình thường.