Những lời khuyên của chuyên gia để bạch hầu không còn là căn bệnh đáng sợ với trẻ nhỏ
Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng rất dễ lây lan và có khả năng gây tử vong cho trẻ nhỏ. Vì mức độ nguy hiểm của bệnh, cha mẹ hãy áp dụng những lời khuyên dưới đây của chuyên gia để đẩy lùi căn bệnh này cho trẻ.
Bạch hầu xuất hiện ở đâu?
Là bệnh do vi rút bạch hầu gây ra, bệnh bạch hầu có mặt ở nhiều khu vực. Trong đó, phải kể tới các khu vực có thời tiết nhiệt đới gió mùa như châu Á, vùng Caribe, Nam Thái Bình Dương, Trung Đông, Đông Âu...
Những nơi được coi là có rủi ro cao có thể thay đổi theo thời gian. Cha mẹ cần tìm hiểu thông tin thật kỹ trước khi đưa trẻ tới du lịch ở một vùng đất cụ thể.
Bệnh bạch hầu lây lan như thế nào
Bệnh bạch hầu rất dễ lây lan. Nó lây lan khi ho và hắt hơi hoặc qua tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm bệnh. Trẻ cũng có thể bị nhiễm bệnh khi dùng chung các vật dụng, chẳng hạn như cốc, dao kéo, quần áo hoặc giường với người bị bệnh.
Các triệu chứng của bệnh bạch hầu
Các triệu chứng thường bắt đầu từ 2 đến 5 ngày sau khi bị nhiễm bệnh. Các triệu chứng chính của bệnh bạch hầu là:
- Có một lớp phủ dày màu trắng xám ở phía sau cổ họng của trẻ
- Trẻ sốt cao từ 38°C trở lên
- Cảm thấy mệt mỏi
- Đau họng
- Đau đầu
- Sưng hạch ở cổ
- Khó thở và nuốt
Nếu các triệu chứng xuất hiện ở da của trẻ (bệnh bạch hầu ở da), bệnh có thể gây ra:
+ Mụn nước đầy mủ trên chân, bàn chân và bàn tay của trẻ
+ Vết loét lớn được bao quanh bởi da đỏ, có thể gây đau cho trẻ
Phương pháp điều trị bệnh bạch hầu
Các phương pháp điều trị bệnh chính là:
- Sử dụng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn bạch hầu
- Sử dụng thuốc ngăn chặn tác động của các chất độc hại (chất độc) do vi khuẩn tạo ra
- Làm sạch kỹ bất kỳ vết thương bị nhiễm trùng nào nếu trẻ bị bệnh bạch hầu và có triệu chứng ảnh hưởng đến làn da
Quá trình điều trị bệnh thường kéo dài từ 2 đến 3 tuần. Mọi vết loét trên da thường lành trong vòng 2 đến 3 tháng, nhưng có thể để lại sẹo. Những người đã tiếp xúc gần với người bị bệnh bạch hầu cũng có thể cần dùng thuốc kháng sinh, hoặc có thể được tiêm một liều thuốc chủng ngừa bệnh bạch hầu.
Khi nào trẻ cần can thiệp y tế khẩn cấp?
Diễn trình bệnh có thể kéo dài và xuất hiện những tình huống bất ngờ hoặc chuyển biến xấu nhanh chóng. Do vậy, cha mẹ cần chú ý quan sát và theo dõi trẻ sát sao. Nếu các triệu chứng trên trở nặng hoặc trẻ đang ở hay vừa trở về từ vùng có dịch lan rộng, cha mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện ngay lập tức để được theo dõi thêm.
Bệnh bạch hầu cần được điều trị nhanh chóng tại bệnh viện để giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như khó thở hoặc các vấn đề về tim cho trẻ nhỏ và đẩy lùi nguy cơ tử vong.
Lời khuyên của chuyên gia
Phòng bệnh là cách tốt nhất để bạch hầu không còn là căn bệnh đáng sợ với trẻ nhỏ. Rất may là hiện tại, nhờ có vắc xin phòng bệnh nên bệnh bạch hầu đã được đẩy lùi.
Cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bạch hầu theo lịch tiêm chủng hoặc sắp xếp theo thời gian với bác sĩ. Ngoài ra, hãy thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Không cho trẻ tiếp xúc với người trở về từ vùng có dịch hoặc nghi có dịch
- Tìm hiểu kỹ về địa điểm du lịch trước khi đưa trẻ tới
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ hàng ngày
- Đảm bảo chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh cho trẻ
Chúc cha mẹ phòng bệnh bạch hầu hiệu quả cho trẻ với các tư vấn từ chuyên gia.
Theo NHS.