Mẹ bị nhiễm trùng trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến em bé như thế nào?
Có rất nhiều loại vi khuẩn hoặc virus có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng trong thai kỳ cho mẹ bầu. Mẹ bị nhiễm trùng trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến em bé như thế nào? Cùng tìm hiểu ngay mẹ nhé.
Thông tin chung
Trong suốt cuộc đời, tất cả chúng ta đều gặp phải rất nhiều loại vi rút và vi khuẩn. Là một phần trong cơ chế bảo vệ của chúng ta, cơ thể tạo ra các kháng thể để giúp chống lại nhiễm trùng.
Nếu có kháng thể chống lại một loại vi rút hoặc vi khuẩn cụ thể, mẹ bầu sẽ được miễn dịch và các kháng thể này giúp ngăn ngừa hoặc giảm tác động của việc nhiễm trùng trở lại.
Tuy nhiên, bệnh nhiễm trùng có thể gây ra các vấn đề trong thai kỳ (cho cả mẹ và thai nhi). Vì vậy, điều quan trọng là mẹ nắm được các triệu chứng của bệnh và những việc cần làm để xử lý vấn đề.
Những bệnh do virus gây ra
Khi virus hoặc vi khuẩn xâm nhập, nếu cơ thể không có kháng thể, việc nhiễm trùng sẽ xảy ra. Tùy thuộc từng loại virus, việc nhiễm trùng có thể ở nhiều mức độ khác nhau.
Dưới đây là một số loại virus có thể gây nhiễm trùng phổ biến trong thai kỳ:
Thủy đậu trong thai kỳ
Nhiễm thủy đậu trong thai kỳ có thể nguy hiểm cho cả mẹ và con. Vì vậy, điều quan trọng là mẹ phải tới gặp bác sĩ sớm, để quá trình điều trị dễ dàng và hiệu quả hơn.
Khoảng 95% phụ nữ được miễn nhiễm với bệnh thủy đậu. Nhưng nếu mẹ chưa từng mắc bệnh thủy đậu (hoặc không chắc mình đã mắc bệnh này chưa) và tiếp xúc với trẻ em hoặc người lớn mắc bệnh này, hãy nói chuyện với bác sĩ ngay lập tức để tiến hành xét nghiệm máu, xác định chính xác tình trạng của bản thân.
Bệnh viêm gan B
Viêm gan B là một loại bệnh do vi rút lây nhiễm ở gan gây ra. Nhiều người bị viêm gan B sẽ không có biểu hiện bệnh, nhưng họ có thể là người mang mầm bệnh và có thể lây nhiễm cho người khác.
Vi-rút lây lan khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh mà không sử dụng bao cao su hoặc tiếp xúc trực tiếp với máu người bị nhiễm bệnh. Nếu mẹ bị viêm gan B hoặc bị nhiễm bệnh trong khi mang thai, mẹ có thể truyền bệnh cho em bé khi sinh.
Tất cả phụ nữ mang thai đều được làm xét nghiệm máu để xác định viêm gan B như một phần trong quá trình khám thai. Những em bé có nguy cơ mắc bệnh nên được tiêm chủng ngừa viêm gan B khi mới sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng và bệnh gan nghiêm trọng sau này.
Chủng ngừa từ sơ sinh có hiệu quả 90 đến 95% trong việc ngăn ngừa trẻ sơ sinh nhiễm viêm gan B lâu dài. Các liều tiếp theo được tiêm vào 4, 8, 12, 16 tuần sau khi sinh và liều cuối cùng vào thời điểm bé được 12 tháng.
Em bé nên được kiểm tra tình trạng nhiễm viêm gan B khi được 12 tháng. Bất kỳ trẻ sơ sinh nào bị nhiễm bệnh cần được chuyển đến các cơ sở y tế đạt tiêu chuẩn để bác sĩ đánh giá và theo dõi.
Viêm gan C
Vi rút viêm gan C lây nhiễm sang gan. Nhiều người bị viêm gan C không có triệu chứng và không biết mình bị nhiễm bệnh. Vi rút lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp với máu người bị nhiễm bệnh.
Viêm gan C cũng có thể lây truyền khi được điều trị y tế hoặc nha khoa không đạt chuẩn, cơ sở khám chữa bệnh không được cấp phép. Những địa chỉ này thường có mức độ kiểm soát nhiễm trùng kém hoặc do quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh.
Nếu mẹ bị viêm gan C, mẹ có thể truyền bệnh cho con mình, mặc dù nguy cơ thấp hơn nhiều so với viêm gan B hoặc HIV. Không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu nào để tránh hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm bệnh từ mẹ sang con.
Bé nên được xét nghiệm viêm gan C sau khi chào đời và nếu bị nhiễm bệnh, hãy đưa trẻ tới gặp bác sĩ chuyên khoa để tìm hướng điều trị càng sớm càng tốt.
Nhiễm trùng do động vật lây truyền
Những con mèo
Phân mèo có thể chứa toxoplasma – một sinh vật gây nhiễm trùng Toxoplasmosis. Toxoplasmosis có thể gây hại cho em bé. Để giảm nguy cơ nhiễm trùng, mẹ hãy:
- Tránh dọn khay vệ sinh cho mèo khi đang mang thai
- Nếu không ai khác có thể dọn sạch khay vệ sinh, hãy sử dụng găng tay cao su dùng một lần khi dọn dẹp, làm sạch hàng ngày và đổ đầy nước sôi trong 5 phút để khay vệ sinh của động vật hết vi khuẩn
- Tránh tiếp xúc gần với mèo bị bệnh
- Ngay cả khi mẹ không nuôi động vật, hãy đeo găng tay khi làm vườn để phòng đất bị nhiễm phân
- Rửa tay và găng tay sau khi làm vườn
- Nếu mẹ tiếp xúc với phân mèo, hãy rửa tay thật sạch
- Tuân theo các quy tắc vệ sinh thực phẩm chung
Lợn
Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành cho thấy, lợn có thể là nguồn lây nhiễm bệnh viêm gan E. Nhiễm trùng này nguy hiểm với phụ nữ có thai, vì vậy, mẹ cần tránh tiếp xúc với lợn và phân lợn.
Không có nguy cơ mắc bệnh viêm gan E khi ăn các sản phẩm thịt lợn nấu chín. Do đó, đừng quên chế biến thực phẩm chín hoàn toàn trước khi ăn.
Theo NHS.