Mẹ bầu nên đối phó với các triệu chứng khi mang thai tại nơi làm việc như thế nào?
Trong bài viết dưới đây, chuyên gia sẽ tư vấn cho mẹ bầu cách đối phó hiệu quả với các triệu chứng khó chịu khi mang thai như mệt mỏi, buồn nôn và nôn tại nơi làm việc.
Đối phó với triệu chứng mệt mỏi khi mang thai
Mẹ thường cảm thấy mệt mỏi hoặc thậm chí kiệt sức khi mang thai, đặc biệt là trong 12 tuần đầu tiên. Sự thay đổi nội tiết tố vào thời điểm này có thể khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn và dễ xúc động. Để đối phó với triệu chứng mệt mỏi này, điều duy nhất mẹ nên làm là nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.
Hãy dành thời gian ngồi và tạo tư thế khiến mẹ cảm thấy thoải mái như gác chân lên ghế, sofa hoặc trên giường cũng như chấp nhận mọi lời đề nghị giúp đỡ từ đồng nghiệp và gia đình.
Mệt mỏi và lo lắng có thể khiến mẹ cảm thấy thấp thỏm. Khi đó, hãy cố gắng chăm sóc sức khỏe thể chất của bản thân bằng cách đảm bảo ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi và ngủ nhiều.
Vào giai đoạn sau của thai kỳ, mẹ có thể cảm thấy mệt mỏi vì trọng lượng quá lớn của cơ thể. Điều này khiến mẹ cần được nghỉ ngơi nhiều hơn. Khi bụng to hơn, mẹ sẽ khó có được một giấc ngủ ngon. Mẹ có thể cảm thấy không thoải mái khi nằm xuống hoặc khi đã cảm thấy thoải mái, mẹ phải chuyển đổi tư thế hoặc di chuyển tới nơi khác.
Cảm giác mệt mỏi sẽ không gây hại cho mẹ hoặc thai nhi, nhưng có thể khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là trong những ngày đầu và cuối của thai kỳ. Hãy cố gắng sử dụng thời gian nghỉ trưa để ăn uống và nghỉ ngơi. Nếu việc đi lại vào giờ cao điểm khiến mẹ mệt mỏi, hãy hỏi ý kiến cấp trên để thay đổi thời gian làm việc.
Đừng vội vàng về nhà và bắt đầu công việc dọn dẹp và nấu nướng khác. Nếu có thể, hãy nhờ chồng hoặc một thành viên trong gia đình làm việc đó. Nếu mẹ đang ở một mình, hãy giảm thiểu việc nhà và đi ngủ sớm nếu có thể.
Đối phó với triệu chứng buồn nôn và nôn khi mang thai
Buồn nôn và nôn trong thai kỳ, thường được gọi là ốm nghén, rất phổ biến trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Hiện tượng có thể ảnh hưởng đến mẹ vào bất cứ lúc nào trong ngày hoặc đêm và có thể suốt cả ngày.
Ốm nghén rất khó chịu và đối với một số mẹ bầu, hiện tượng có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày của họ. Nhưng ốm nghén không làm cho em bé tăng nguy cơ mắc bệnh và thường sẽ giảm dần vào tuần 16 đến 20 của thai kỳ.
Một số mẹ bầu bị ốm nghén nặng khi mang thai và phát triển thành chứng nôn nghén nặng. Bệnh lý này có thể trở nặng và có khả năng mẹ không nạp đủ chất lỏng cho cơ thể (mất nước) hoặc không nhận đủ chất dinh dưỡng từ chế độ ăn uống (suy dinh dưỡng). Mẹ đôi khi phải nhập viện để điều trị chuyên khoa bệnh này.
Ngoài ra, nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs) cũng có thể gây buồn nôn và nôn cho mẹ bầu. Nhiễm trùng tiểu thường ảnh hưởng đến bàng quang, nhưng có thể lây lan đến thận của người bệnh. Do vậy, mẹ bầu cần chú ý điều trị bệnh kịp thời nếu mắc phải.
Để đối phó với triệu chứng ốm nghén khi mang thai tại nơi làm việc, các chuyên gia khuyến khích mẹ nên:
- Trao đổi với cấp trên để sắp xếp giờ làm việc thay đổi một chút để tránh những lúc mẹ cảm thấy ốm nghén nặng
- Mẹ cũng có thể chuyển sang các hình thức làm việc khác như làm việc ở nhà vào những ngày ốm nghén tồi tệ
- Uống nhiều nước có thể giúp mẹ ngăn ngừa nôn mửa
- Tránh các thực phẩm hoặc mùi khiến mẹ cảm thấy buồn nôn
- Ăn các bữa ăn nhỏ, ăn thực phẩm hoặc đồ uống có chứa gừng – khoa học chứng minh gừng có thể giúp giảm buồn nôn và nôn (trao đổi với bác sĩ trước khi bổ sung gừng khi mang thai)
- Thử bấm huyệt và mát xa cơ thể nhẹ nhàng – có một số bằng chứng cho thấy việc tạo áp lực lên cổ tay, sử dụng dây đeo hoặc vòng đeo tay đặc biệt trên cẳng tay, có thể giúp giảm các triệu chứng ốm nghén của mẹ.
Chúc mẹ áp dụng các biện pháp đối phó với triệu chứng khi mang thai tại nơi làm việc thành công.
Theo NHS.