Lơi và hại khi mẹ chửa bụng dưới
Mang thai bụng dưới hay dân gian còn gọi chửa bụng dưới là tình trạng bụng bầu to và hơi chèn ngang ở phần dưới bụng. Không gây nguy hiểm, ngược lại, hiện tượng này còn "bật mí" cho mẹ một thông tin thú vị về bé cưng trong bụng.
Mang thai bụng dưới sinh con trai?
Không phải dấu hiệu nguy hiểm, nhưng theo kinh nghiệm dân gian, nếu bà bầu bụng to và hơi chèn ngang phần dưới bụng có thể là dấu hiệu sinh con trai. Tất nhiên, đây chỉ là lời đồn thổi của các mẹ. Khoa học chưa tìm thấy bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ giữa giới tính thai nhi và hình dáng bụng bầu của mẹ.
Trong cuốn sách mới viết về những điều thú vị khi mang thai, nhà báo khoa học Jena Pincott bật mí: Không phải bụng bầu, hình dáng ngực mới là dấu hiệu dự báo chính xác giới tính em bé trong bụng mẹ. Theo đó, mẹ mang bầu bé gái thường có vòng ngực lớn hơn so với mẹ mang thai bé trai. Các bé trai sản sinh nhiều testosterone hơn nên sẽ làm mẹ mệt mỏi và kìm hãm sự gia tăng kích thước của bầu ngực.
Nếu các mẹ mang thai lần đầu thì cần phải lưu ý một số vấn đề qua bài viết sau: lần đầu mang thai và những vấn đề mẹ cần biết.
Mang thai bụng dưới dễ sinh?
Theo các chuyên gia, sinh khó hay dễ tùy thuộc vào sức khỏe của mẹ bầu và độ mở của tử cung, không bị ảnh hưởng bởi việc mang thai bụng trên hay bụng dưới.
Tuy nhiên, mẹ bầu nên đặc biệt lưu ý đến tình trạng bụng bầu tụt xuống trong những tháng cuối thai kỳ, bởi đây là một trong những dấu hiệu sắp sinh phổ biến. Với những mẹ sinh con lần đầu, bụng sẽ tụt xuống khoảng 2-4 tuần trước khi sinh. Tuy nhiên, với những mẹ sinh con lần 2, 3, hiện tượng tụt bụng có thể xảy ra trước khi bắt đầu chuyển dạ.
Mẹ bầu cần lưu ý
Trong thời gian mang thai, nếu vùng bụng dưới bị sưng, thường xuyên xuất hiện những cơn đau ban đêm hoặc sáng sớm, mẹ bầu nên đến bệnh viện kiểm tra ngay. Đây có thể là dấu hiệu sinh non.
Kích thước bụng bầu – Dấu hiệu cảnh báo sức khỏe?
Kích thước bụng bầu phụ thuộc nhiều vào cơ địa của từng mẹ. Không có một chuẩn chung về sự gia tăng kích thước bụng khi mang thai. Đồng thời, việc bà bầu bụng to hay bụng nhỏ cũng không ảnh hưởng đến việc con sinh ra lớn hay nhỏ như những lời đồn thổi dân gian.
Chỉ trong một số trường hợp bụng bầu lớn hoặc nhỏ bất thường sau đây, mẹ mới cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Bụng bầu lớn do tăng cân quá nhiều, tiểu đường thai kỳ, đa ối… Tùy theo từng nguyên nhân khác nhau, bác sĩ sẽ hướng dẫn những cách chăm sóc sức khỏe bà bầu phù hợp.
Bụng bầu nhỏ do thiếu ối. Nhiều trường hợp bà bầu cao huyết áp cũng ảnh hưởng đến kích thước bụng, làm bụng bầu nhỏ hơn bình thường.
Thông tin thú vị về bụng bầu
Những tuần đầu thai kỳ, vòng bụng của mẹ hầu như không tăng về kích thước. Chỉ những người rất tinh ý mới nhận thấy sự khác biệt. Phải đến tuần 12 của thai kỳ, khi tử cung lớn dần và vượt qua khung xương chậu, bụng bầu mới “ló mặt”.
Kích thước vòng bụng không phản ánh cân nặng của thai nhi. Để biết những chỉ số thai nhi chi tiết, tốt nhất mẹ đừng bỏ lỡ những buổi hẹn khám thai với bác sĩ.
Chiều cao và cân nặng của bà bầu cũng có thể ảnh hưởng đến kích thước bụng bầu.
Khoảng tháng thứ 4, 90% bà bầu sẽ nhận thấy một đường nâu mờ trên bụng. Đường nâu này sẽ tự động “lặn mất” sau khi sinh nên mẹ không cần quá lo lắng.
Rốn lồi khi mang thai là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, nếu bị đau nhức ở rốn, bạn nên đến bệnh viện ngay. Đây có thể là dấu hiệu rốn thoát vị.