Cảm lạnh thông thường có những triệu chứng rất khó phân biệt với cảm cúm, cúm mùa... Cha mẹ tìm hiểu các triệu chứng và cách phòng cảm lạnh thông thường cho trẻ ngay trong bài viết dưới đây.

Kiểm tra xem trẻ có bị cảm lạnh không

Trẻ bị cảm lạnh thông thường có xu hướng bị sốt nhẹ

Các triệu chứng cảm lạnh xuất hiện dần dần, theo tiến trình và có thể bao gồm:

  1. Nghẹt mũi hoặc sổ mũi
  2. Đau họng
  3. Đau đầu
  4. Đau cơ
  5. Ho
  6. Hắt xì
  7. Nhiệt độ cơ thể tăng lên nhưng chưa hẳn là sốt cao
  8. Cảm thấy có áp lực trong tai và mặt của trẻ
  9. Mất vị giác và khứu giác

Các triệu chứng giống nhau ở người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, các triệu chứng kéo dài hơn ở trẻ em và vì vậy, thời gian khỏi bệnh của chúng cũng lâu hơn so với người lớn.

Phân biệt cảm lạnh thông thường và cảm cúm

Rất nhiều các bậc phụ huynh không phân biệt được đâu là cảm lạnh thông thường, đâu là cảm cúm. Từ đó, chữa trị bệnh cho trẻ sai phương hướng. Theo các chuyên gia, sự khác biệt giữa cảm lạnh thông thường và cảm cúm bao gồm:

  1. Các triệu chứng của cảm lạnh thông thường xuất hiện dần dần trong khi cảm cúm có thể xuất hiện nhanh chóng trong vòng vài giờ
  2. Cảm lạnh thông thường ảnh hưởng chủ yếu đến mũi và cổ họng của trẻ trong khi cảm cúm có vùng ảnh hưởng rộng hơn
  3. Cảm lạnh thông thường khiến trẻ cảm thấy không khỏe, nhưng vẫn có thể tiếp tục các hoạt động như bình thường trong khi cảm cúm khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi và không khỏe để sinh hoạt thường nhật

Điều trị cảm lạnh

Cảm lạnh thông thường có thể được điều trị mà không cần dùng kháng sinh

Thông thường, có thể điều trị cảm lạnh cho trẻ tại nhà mà không cần gặp bác sĩ đa khoa. Trẻ sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn trong khoảng một hoặc 2 tuần. Để giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh hơn, cha mẹ hãy thực hiện các biện pháp sau:

  1. Cho trẻ nghỉ ngơi và ngủ nhiều hơn
  2. Giữ ấm cơ thể
  3. Cho trẻ uống nhiều nước (nước lọc, nước hoa quả hoặc nước rau củ pha với nước đều được) để tránh mất nước
  4. Súc miệng nước muối để làm dịu cơn đau họng

Ngoài ra, nếu trẻ bị sốt cao, nghẹt mũi, sổ mũi, đau họng hoặc đau nhức cơ thể một cách nghiêm trọng, cha mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để chọn cho trẻ loại thuốc phù hợp giảm các triệu chứng trên.

Khi nào cần đưa trẻ tới bệnh viện?

Nếu đã thực hiện các phương pháp điều trị cảm lạnh mà triệu chứng không thuyên giảm, cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện và trong các trường hợp sau:

  1. Các triệu chứng không cải thiện sau 3 tuần
  2. Các triệu chứng đột ngột trở nên tồi tệ hơn
  3. Sốt rất cao hoặc trẻ nóng người nhưng lại kèm cảm giác rùng mình, co ro vì lạnh
  4. Cảm thấy lo lắng về các triệu chứng của trẻ
  5. Trẻ cảm thấy khó thở hoặc đau ngực
  6. Trẻ mắc bệnh nền như bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim, phổi, thận hoặc thần kinh
  7. Trẻ có hệ thống miễn dịch suy yếu vì đang chữa một bệnh khác

Làm thế nào để tránh lây lan cảm lạnh?

Cảm lạnh có thể được ngăn ngừa chỉ với những biện pháp đơn giản

Cảm lạnh do vi rút gây ra và dễ lây lan cho người khác. Người bệnh sẽ lây nhiễm bệnh sang người khác cho đến khi hết các triệu chứng. Quá trình này thường mất một hoặc 2 tuần. Cảm lạnh lây lan do vi trùng từ ho và hắt hơi của người bệnh đến người bình thường, vi trùng này có thể sống trên tay và các bề mặt trong 24 giờ.

Để giảm nguy cơ lây lan cảm lạnh, cha mẹ hãy thực hiện các biện pháp sau cho trẻ:

+ Rửa tay thường xuyên bằng nước ấm và xà phòng

+ Sử dụng khăn giấy để bẫy vi trùng khi ho hoặc hắt hơi

+ Vứt khăn giấy đã sử dụng vào thùng càng nhanh càng tốt

 

Cách ngăn ngừa cảm lạnh

Một người bị cảm lạnh có thể bắt đầu lây lan từ vài ngày trước khi các triệu chứng của họ bắt đầu biểu hiện ra bên ngoài cho đến khi các triệu chứng kết thúc. Những cách tốt nhất để tránh bị cảm lạnh là:

+ Rửa tay đúng cách bằng nước ấm và xà phòng thường xuyên

+ Không dùng chung khăn tắm hoặc đồ gia dụng (như cốc) với người bị cảm lạnh

+ Không chạm vào mắt hoặc mũi trong trường hợp đã tiếp xúc với vi rút

+ Giữ chế độ ăn uống khoa học để có một cơ thể khỏe mạnh

Thuốc chủng ngừa cúm chỉ có tác dụng giúp ngăn ngừa cảm cúm mà không có tác dụng với cảm lạnh thông thường. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý thông tin này khi muốn tiêm chủng ngừa cho trẻ.

Theo NHS.