Làm giấy khai sinh cho bé năm 2022 và những điều cần lưu ý
Theo nghị định 123 và những điều quy định trong Luật Hộ tịch, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày bé chào đời, ba mẹ phải làm giấy khai sinh cho bé. Làm giấy khai sinh cho con đúng thời hạn không bị tính phí nhưng nếu quá thời gian sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Nếu quá bận rộn, mẹ có thể nhờ người thân đi làm giúp vì thủ tục không quá phức tạp.
Khi làm giấy khai sinh các mẹ cần làm những gì? Hãy cùng Mamanbebe xem cần những gì nhé!
Giấy tờ cần chuẩn bị
Giấy chứng sinh (do Bệnh viện, Cơ sở y tế nơi trẻ sinh ra cấp). Với trường hợp không có giấy tờ này thì cần có văn bản xác nhận của người làm chứng về việc sinh. Nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
Sổ Hộ khẩu, sổ KT3, giấy đăng ký tạm trú tạm vắng có thời hạn của ba mẹ.
CMND/Hộ chiếu Việt Nam gồm bản chính và bản photo của cha mẹ hoặc người đi làm thay.
Điền mẫu tờ khai đăng ký khai sinh tại nơi đăng ký làm khai sinh
Nộp giấy tờ tại Ủy ban Nhân dân
Sau khi chuẩn bị đầy đủ, mẹ mang những giấy tờ cần thiết nộp tại Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đăng ký thường trú, tạm trú của cha hoặc mẹ. Nếu không xác định được nơi cư trú của cha, mẹ thì nộp tại Ủy ban Nhân dân cấp xã, nơi trẻ đang sinh sống trên thực tế.
Nếu trẻ em sinh ra tại Việt Nam mà cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch; Cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài… nộp giấy tờ đăng ký khai sinh tại Ủy ban Nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ.
Theo quy định chung của pháp luật, bé sau khi sinh sẽ giấy khai sinh tại nơi người mẹ đăng ký hộ khẩu thường trú. Tuy nhiên trong trường hợp đặc biệt, con có thể đăng ký khai sinh theo hộ khẩu thường trú của người bố.
Điều 13 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ quy định “Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ. Nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh”.
Tiếp nhận và cấp giấy khai sinh
Sau khi nộp đầy đủ giấy tờ và đúng nơi quy định, công chức Tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch, trình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã ký vào bản chính Giấy khai sinh. Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch.
Thời hạn giải quyết cấp giấy khai sinh: trong 1 ngày. Trường hợp cần xác minh, không quá 05 ngày làm việc. Giấy khai sinh chỉ được cấp 1 bản chính.
Một số trường hợp đặc biệt
Đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi được thực hiện tại Ủy ban Nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc nơi có trụ sở của tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ đó.
Trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú có thể để trống phần ghi về người cha, nếu không xác định được. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, Ủy ban Nhân dân cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.
Thủ tục làm giấy khai sinh quá hạn cho con
Giống thủ tục làm giấy khai sinh cho con, để đăng ký giấy khai sinh quá hạn mẹ cũng cần chuẩn bị đầy đủ giấy chứng sinh, hộ khẩu và điều mẫu đơn gửi Ủy ban Nhân dân xã, phường nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú. Điểm khác biệt duy nhất là trong sổ đăng ký sẽ ghi rõ “Đăng ký quá hạn”.
Với những trường hợp đăng ký quá hạn, mẹ hoặc người chịu trách nhiệm làm thủ tục giấy khai sinh cho bé sẽ bị phạt cảnh cáo. Những trường hợp sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ sẽ bị phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đồng. Phạt tiền từ 1.000.000-3.000.000 đồng với hành vi làm chứng sai, cố ý khai không đúng sự thật và sử dụng giấy tờ giả để đăng ký làm giấy khai sinh.
Làm giấy khai sinh cho con không nhất thiết cần đến sự có mặt của ba mẹ nên bạn có thể nhờ người thân. Đừng vì một lý do nào đó mà trễ hạn đăng ký khai sinh cho trẻ, bạn nhé!