Khám thai là gì? Vì sao mẹ bầu cần khám thai thường xuyên? Mẹ sẽ trải qua những gì khi đi khám thai? Cùng tìm hiểu ngay với sự tư vấn của chuyên gia NHS mẹ nhé.

Khám thai là gì?

Mẹ bầu nên đi khám thai từ khi nghi ngờ mình có thai

Khám thai là việc mọi mẹ bầu đều cần thực hiện để nhận sự tư vấn và chăm sóc của chuyên gia y tế hoặc bác sĩ sản khoa trong suốt thai kỳ. Mẹ bầu nên bắt đầu khám thai càng sớm càng tốt kể từ khi biết mình có thai hoặc nghi ngờ có thai. Việc này sẽ giúp mẹ hưởng nhiều lợi ích trong 9 tháng mang thai và cả sau khi sinh bé.

Vì sao mẹ bầu cần khám thai thường xuyên?

Mẹ bầu cần khám thai thường xuyên để đảm bảo sự an toàn của bản thân và thai nhi trong bụng cũng như hưởng mọi lợi ích khác mà khám thai mang lại. Trong đó, bao gồm:

  1. Được bác sĩ hoặc chuyên gia y tế giải đáp các thắc mắc về mang thai, sinh nở và chăm sóc em bé
  2. Được cung cấp các thông tin hữu ích để giúp mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh, bao gồm lời khuyên về ăn uống lành mạnh và tập thể dục
  3. Được kiểm tra và xét nghiệm khi có dấu hiệu thai kỳ bất thường
  4. Được tiến hành sàng lọc các bệnh nguy hiểm trước khi sinh
  5. Được tham gia các lớp tiền sản, bao gồm cả hội thảo về nuôi con bằng sữa mẹ trong thai kỳ

Mẹ bầu cần khám thai bao nhiêu lần trong thai kỳ?

Mẹ bầu nên đi khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ

Trung bình, với mẹ bầu lần đầu mang thai, mẹ sẽ có khoảng 10 lần khám thai trong suốt thai kỳ. Con số này với mẹ bầu mang thai lần hai hoặc hơn là khoảng 7 lần. Tuy nhiên, con số này chỉ là con số tương đối và không áp dụng với tất cả mẹ bầu.

Điều quan trọng là mẹ bầu cần khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc bất cứ khi nào có dấu hiệu bất thường của cơ thể hay mẹ cảm thấy bất an trong người. Hãy nhớ: Có một số vấn đề của thai kỳ nhất là các bệnh lý nghiêm trọng, không có dấu hiệu biểu hiện rõ rệt ra bên ngoài mà cần tiến hành các xét nghiệm cụ thể mới có thể phát hiện.

Mẹ bầu có thể khám thai ở đâu?

Để đảm bảo kết quả khám thai chính xác và hưởng mọi quyền lợi cao nhất, mẹ bầu nên đi khám thai tại các cơ sở y tế được cấp phép như bệnh viện đa khoa các cấp hoặc bệnh viện chuyên ngành sản khoa...

Mẹ sẽ trải qua những gì khi đi khám thai?

Có rất nhiều các bước kiểm tra và xét nghiệm mẹ bầu có thể phải thực hiện khi đi khám thai. Nội dung trong buổi khám thai sẽ thay đổi dựa vào tình trạng của mẹ bầu, số tuần của thai kỳ và nhiều yếu tố phụ khác.

Khám thai mang lại nhiều lợi ích cho mẹ bầu và thai nhi

Dưới đây là một số nội dung chính khi mẹ bầu đi khám thai:

  1. Bác sĩ thăm hỏi tình trạng của mẹ bầu, trong đó bao gồm:
  2. Ngày kinh đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng
  3. Sức khỏe của mẹ
  4. Bất kỳ bệnh tật và cuộc phẫu thuật nào mẹ đã từng mắc phải
  5. Bất kỳ lần mang thai và sẩy thai trước đây 
  6. Dân tộc của cả hai vợ chồng để tìm hiểu xem liệu trẻ có thể có nguy cơ mắc một số bệnh di truyền hay không
  7. Gia đình có tiền sử sinh đôi không
  8. Công việc của mẹ, công việc của chồng và điều kiện sống để xem liệu hoàn cảnh có thể ảnh hưởng đến việc mang thai của mẹ hay không
  9. Tâm trạng của mẹ và khả năng mắc các loại bệnh tâm lý của mẹ
  10. Kiểm tra huyết áp
  11. Xét nghiệm nước tiểu
  12. Siêu âm
  13. Sờ bụng để kiểm tra vị trí của em bé
  14. Đo dạ con (tử cung) để kiểm tra sự phát triển của thai nhi
  15. Thực hiện các xét nghiệm xác định bệnh và kiểm tra chỉ số thai kỳ
  16. Giải đáp thắc mắc và tư vấn cho mẹ những kiến thức thai sản

Chúc mẹ bầu có những chuẩn bị thật tốt cho các lần khám thai trong thai kỳ.

Theo NHS.