Dấu hiệu sốt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mà cha mẹ thường bỏ qua
Không phải lúc nào cha mẹ cũng có thể biết được con mình có bị sốt hay không bằng cách sờ trán hoặc đo nhiệt độ cơ thể. Dưới đây là những dấu hiệu sốt ở trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ phổ biến nhất cha mẹ cần biết.
Thông tin tổng quan
Mặc dù sốt có thể đáng sợ nhưng nhiệt độ cơ thể cao không phải là bệnh. Sốt thường chỉ là một dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch của trẻ đang chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus gây ra.
Hầu hết vi trùng gây bệnh phát triển mạnh ở nhiệt độ cơ thể của một người (98,6◦F). Vì vậy, khi hệ thống miễn dịch phát hiện ra nhiễm trùng, nó sẽ phản ứng bằng cách điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể để giúp tiêu diệt vi trùng.
Có nhiều dấu hiệu sốt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Tuy nhiên, ngoại trừ là dấu hiệu của cảm lạnh hoặc cúm, sốt cũng có thể chỉ ra trẻ đã mắc bệnh viêm họng, nhiễm trùng tai hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Hơn nữa, vắc-xin có thể gây sốt tạm thời đến 48 giờ sau khi tiêm chủng ngừa. Điều này là hoàn toàn bình thường và an toàn cho trẻ.
Và ít phổ biến hơn, những cơn sốt tái phát có thể chỉ ra một vấn đề nghiêm trọng hơn như rối loạn tự miễn dịch, rối loạn não hoặc một số loại ung thư (trong một số trường hợp ngoại lệ hiếm hoi).
Do có nhiều nguyên nhân gây sốt, điều quan trọng là nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng. Dưới đây là cách nhận biết trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có bị sốt hay không cùng với lời khuyên về thời điểm đến gặp bác sĩ.
Các triệu chứng sốt thông thường
Nhiệt độ cơ thể tăng cao là cách dễ nhất để phát hiện sốt. Ở trẻ em dưới 3 tuổi, cách tốt nhất để đo nhiệt độ là sử dụng nhiệt kế trực tràng, cho độ chính xác cao nhất. Cha mẹ có thể sử dụng nhiệt kế đo miệng, nhiệt kế đo tai, nhiệt kế đo trán... cho trẻ lớn hơn. Nhiệt độ trực tràng trên 100,4 độ F được coi là sốt. Nếu dùng phương pháp khác, bất kỳ nhiệt độ nào trên 100 độ F đều được coi là sốt.
Đo nhiệt độ cơ thể bằng nhiệt kế để xác định trẻ có bị sốt hay không
Trẻ bị sốt có thể cũng sẽ có dấu hiệu khác. Trên thực tế, cách trẻ hành động và cảm thấy thường là dấu hiệu tốt hơn để biết mức độ ốm của trẻ. Trẻ bị sốt cao có thể ốm nặng hoặc nhẹ hơn trẻ bị sốt nhẹ.
Bên cạnh nhiệt độ cơ thể tăng cao, các dấu hiệu sốt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bao gồm:
+ Hành động thể hiện sự buồn ngủ hơn bình thường
+ Cáu gắt
+ Chán ăn
+ Biểu hiện khó chịu hoặc đau đớn, chẳng hạn như đau nhức cơ thể hoặc các triệu chứng bệnh tật khác
+ Thờ ơ và buồn ngủ
+ Hành động kỳ lạ theo bất kỳ cách nào
Khoảng 4% trẻ em dưới 5 tuổi bị co giật do sốt, thường do nhiệt độ cơ thể tăng đột ngột. Những dấu hiệu sốt cao này có vẻ đáng sợ. Trẻ có thể bất tỉnh, run rẩy hoặc cứng người nhưng chúng thường vô hại. Hầu hết các cơn co giật do sốt kết thúc sau một hoặc hai phút, mặc dù một số cơn chỉ kéo dài vài giây hoặc hơn 10 phút.
Nếu trẻ sốt bắt đầu co giật, hãy đặt trẻ nằm trên một bề mặt mềm và đặt trẻ nằm nghiêng để trẻ không bị sặc. Không bao giờ cho bất cứ thứ gì vào miệng trẻ hoặc cố gắng kìm trẻ xuống. Khi cơn co giật kết thúc, hãy đưa trẻ tới gặp bác sĩ nhi khoa nếu đây là lần đầu tiên xảy ra, bé cần được kiểm tra ngay lập tức.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Cha mẹ nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ khi sốt kèm dấu hiệu nguy hiểm
Trẻ cần được khám với bác sĩ nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt với nhiệt độ trên 100,4◦F và bất kể triệu chứng của bé là gì. Trẻ sơ sinh dễ bị một số loại bệnh nhiễm trùng như viêm màng não... Vì vậy, bác sĩ nhi khoa cần loại trừ các bệnh nghiêm trọng ngay lập tức.
Nếu trẻ từ 3 tháng đến 6 tháng tuổi, hãy đến bác sĩ nếu nhiệt độ của trẻ vượt quá 101◦F. Đối với những trẻ trên 6 tháng, có thể đợi cho đến khi nhiệt độ của trẻ lên đến 103◦F, trừ khi trẻ có các triệu chứng đáng lo ngại khác như:
+ Thờ ơ
+ Khó chịu
+ Đau họng
+ Đau tai
+ Nôn mửa và/hoặc tiêu chảy
+ Đi tiểu khó chịu
+ Phát ban không rõ nguyên nhân
+ Cứng cổ hoặc các dấu hiệu mất nước như đi tiểu không thường xuyên và thiếu nước
+ Cũng nên đến gặp bác sĩ nhi khoa nếu trẻ bị sốt với tình trạng sức khỏe mãn tính, như hen suyễn hoặc tiểu đường.
Điều quan trọng là đừng nhầm lẫn sốt với sốc nhiệt. Nhiệt độ cơ thể tăng cao liên quan đến nhiệt là do các điều kiện xung quanh gây ra. Vào giữa mùa hè, điều quan trọng cần nhớ là tránh để trẻ quá nóng và nếu có con nhỏ hơn 6 tháng, cha mẹ cũng nên tránh cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nếu cha mẹ nghi ngờ trẻ có thể đã bị quá nóng, ngay lập tức đưa trẻ ra khỏi nguồn nhiệt và đưa trẻ đến phòng cấp cứu.
Theo Parents.