Việc chăm sóc con cái là trách nhiệm, và cũng là quyền lợi của cả bố và mẹ. Bởi vậy chẳng thể nào người trụ cột trong gia đình lại có thể làm ngơ và dồn hết mọi công việc lên vai mẹ, vốn đang rất mệt mỏi sau quá trình vượt cạn đúng không ạ. Hãy xắn tay áo lên và thay tã cho con yêu ngay hôm nay hỡi những ông bố bỉm sữa, điều này sẽ trở nên vô cùng đơn giản với những hướng dẫn dưới đây của MamanBébé.

1. Thời điểm cần thay tã giấy cho bé

 cach-thay-ta-giay-em-be-chuan-nhat-cho-ong-bo-bim-sua

Đây là yếu tố quan trọng mà bố cần đặc biệt lưu ý để đảm bảo hiệu quả sử dụng cũng như khả năng thấm hút của sản phẩm, từ đó bảo vệ bé yêu khỏi những vấn đề như hăm, viêm nhiễm, kích ứng da. Dưới đây là hai thời điểm mà bố cần phải thay tã cho bé.

Khi tã đã thấm hút sau nhiều lần tè

Tùy vào lượng sữa cũng như khả năng bài tiết của mỗi bé, tuy nhiên đại đa số các nhà sản xuất đã lượng hóa khoảng thời gian này khá cụ thể. Trong đó, hầu hết những sản phẩm tã giấy thông thường sẽ cần thay sau khi bé sử dụng từ 3 đến 4 giờ đồng hồ, còn một số ít thương hiệu cao cấp sẽ dùng hiệu quả trong 6 – 8h, Bambo Nature là một ví dụ, và để biết chính xác, bố mẹ cần hỏi kỹ nhân viên tư vấn về vấn đề này trước khi chọn mua sản phẩm nhé.

Ngoài ra, trong những lần sử dụng đầu tiên, bố mẹ nên thường xuyên kiểm tra bề mặt tã, nếu thấy có dấu hiệu ứ nước hay thấm ngược thì cần thay ngay, vì thực tế, có thể bé yêu nhà bạn bú nhiều sữa hơn và có lượng bài tiết nhiều hơn, từ đó có thể xác định khá chính xác thời điểm cần thay trong những lần sau.

Bố cũng cần lưu ý là dù bận rộn tới đâu thì vẫn phải đảm bảo thay đúng giờ nhé, bởi nếu không sẽ tạo điều kiện cho những vi sinh vật phát triển, phân giải nước thảu bị thấm ngươc j từ đó gây ra những vấn đề khó chịu và đau đớn cho bé như hăm, kích ứng thậm chí là viêm nhiễm đó.

Sau khi bé đi nặng thì sao?

Đây là câu hỏi mà MamanBébé nhận được từ rất nhiều mẹ, và một lần nữa MamanBébé khẳng định rằng bố và mẹ nên thay tã cho bé ngay sau khi con đi nặng, dù chỉ là một lượng rất ít. Nguyên nhân là bởi tã giấy chỉ có tác dụng thấm hút chất lỏng, còn chất rắn và chất nhờn trong phân của bé thì không. Quan trọng hơn nữa, phân của trẻ chứa rất nhiều các loại vi sinh vật, nếu để bé tiếp xúc lâu dài sẽ rất dễ gây bệnh cho con, đó là chưa kể hầu hết các bé đều rất khó chịu, bứt rứt trong trường hợp này. Mẹ thử tưởng tượng xem người lớn còn khó chịu chứ nói gì tới trẻ nhỏ với một làn da mỏng manh và vô cùng nhạy cảm.

2. 4 bước thay tã giấy cho bé

Sau khi đã xác định được thời điểm cần thay tã giấy, việc tiếp theo là bố phải làm thế nào để thực hiện công việc này. Nếu đây là một trong những lần đầu tiên, chắc chắn bố sẽ cảm thấy rất lóng ngóng và sợ hãi, nhất là khi bế trong lòng cơ thể nhỏ nhắn và mỏng manh. Tuy nhiên hãy bình tĩnh nhé, chỉ với 4 bước dưới đây bố sẽ dần quen thuộc với công việc này, và chẳng mấy nữa sẽ thấy rằng việc tự tay chăm sóc cho con yêu mang tới niềm hạnh phúc lớn lao tới nhường nào.

Bước 1: Chuẩn bị mọi dụng cụ cần thiết

Hiển nhiên, chẳng việc gì có thể thuận lợi nếu không có một sự chuẩn bị chu đáo đúng không nào, và dưới đây là danh sách những vật dụng mà bố sẽ cần tới nhé.

Đầu tiên đó là khăn lau, khăn ủ, tã mới và quần áo mới cho bé nếu cần. Trong đó, quần áo, tã và khăn ủ đặt ở vị trí phù hợp để sẵn sàng sử dụng, có thể là trên giường, hay trên bàn thay, còn khăn lau bố nên đặt ở nơi mà tay mình có thể với tới sau khi rửa cho bé.

Tiếp theo là những dụng cụ vệ sinh bao gồm 1 tới 2 chậu nước ấm, tùy xem bé chỉ đi nhẹ hay cả đi nặng, hai chậu này cần đặt gần nhau và gần nơi sẽ đặt bé sau khi lau rửa. Bên cạnh đó là khăn rửa và dung dịch rửa cho bé, ghế ngồi nếu cần.

Ngoài ra, thân nhiệt của trẻ sơ sinh cũng không ổn định, vì vậy, bố cần lưu ý là việc vệ sinh cho bé cần được thực hiện trong phòng kín gió, nếu vào mùa đông, bố nên lắp thêm đèn sưởi để đảm bảo ấm áp nhé!

Khi mọi việc thứ đã đúng vị trí của mình, bố có thể chuyển sang bước tiếp theo rồi đó.

Bước 2: Vệ sinh cho bé

Sau khi bỏ quần, áo và bỉm bẩn, bố cần bế bé lên, bộ phận mà bố cần đặc biệt lưu ý là đầu, cổ, và lưng của bé, theo đó hãy đưa một tay đặt vào gáy của bé để giữ vững phần đẩu và gáy, đồng thời cánh tay lúc này sẽ tạo thành điểm tựa cho lưng, hãy giữ vững những vị trí này trong suốt quá trình vệ sinh bố nhé.

Tiếp đến, hãy đặt phần dưới của cơ thể bé vào nước ấm, thực hiện lau rửa nhẹ nhàng, với bé gái hãy rửa từ trước ra sau để tránh sự lây lan của vi sinh vật từ hậu môn vào âm đạo. Nếu bé yêu kèm theo đi nặng thì trước khi rửa bố cần dung khăn ướt lau qua phân của bé rồi mới rửa bằng 2 lần nước. Trong quá trình này bố có thể sử dụng dung dịch vệ sinh cho bé nếu cần, tuy nhiên hãy đảm bảo về chất lượng cũng như mức độ phù hợp về độ tuổi của những loại mỹ phẩm này nhé.

Cuối cùng, để kết thúc bước 2, bố có thể lấy khăn xô quấn quanh người bé và đặt bé lên vị trí đã chuẩn bị bỉm, quần áo mới.

Bước 3: Mặc bỉm và quần áo mới cho con

Trong bước này, hãy đảm bảo rằng bạn đã đặt bé vào vị trí an toàn, hãy luôn đặt tay lên người của bé, không đặt bé ở mép giường nhất là với những bé từ 3 tháng tuổi trở lên có thể lẫy bất cứ khi nào.

Ngoài ra, sau khi lau hết nước, bố cũng cần phải nhanh tay mặc bỉm và quần áo lại cho bé vì trẻ nhỏ có thân nhiệt không ổn định.

Bước 4: Dọn dẹp

Sau khi đã mặc và giữ ấm cơ thể cho bé, hãy đặt bé vào nơi an toàn như giường có thanh chắn, cũi, nôi dành riêng cho bé, sau đó dọn dẹp quần áo, bỉm bẩn, nước vương vãi và mở cửa phòng để không khí có thể lưu thông.

Như vậy là bố đã hoàn thành công việc tưởng chừng khó khăn này rồi đó, chỉ với một vài phút sợi dây tình cảm giữa hai bố con đã trở lên khăng khít hơn rất nhiều rồi, chúc bố sẽ thành công mỹ mãn ngay trong lần đầu tiên nhé!