Các loại phát ban ở trẻ nhỏ và lời khuyên khi điều trị cho trẻ
Phát ban ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra và chúng thường không có gì đáng lo ngại. Dưới đây, chuyên gia sẽ giúp cha mẹ nhận biết các loại phát ban và lời khuyên khi điều trị cho trẻ.
Khi nào phát ban trở nên nguy hiểm?
Nếu trẻ bị phát ban kèm các dấu hiệu sau, cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay lập tức:
- Trẻ bị cứng cổ
- Trẻ nhạy cảm với ánh sáng
- Trẻ có vẻ bối rối
- Trẻ bị run rẩy, co giật cơ thể mà không kiểm soát được
- Trẻ bị sốt cao mà không thể hạ nhiệt
- Trẻ có bàn tay và bàn chân lạnh bất thường
- Trẻ có vết phát ban không mờ khi ấn vào
Những dấu hiệu trên cho thấy, trẻ có thể đã bị viêm màng não.
Những trường hợp phát ban ở trẻ nhỏ
Dưới đây là các nguyên nhân và tình trạng phổ biến nhất gây nên phát ban ở trẻ nhỏ:
Sốt phát ban
Trẻ vừa sốt vừa xuất hiện các vùng da đỏ trên má và cũng có thể bị cảm lạnh kèm theo. Sốt phát ban có thể phát triển rộng khắp các vùng da trên người của trẻ. Tuy nhiên, sốt phát ban thường là chứng bệnh nhẹ, không gây nguy hiểm cho trẻ và hết trong vòng một tuần sau khi phát bệnh. Nếu trẻ sốt cao, cha mẹ có thể dùng paracetamol để hạ sốt cho trẻ.
Tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là một bệnh thường gặp ở trẻ em, gây ra mụn nước trên bàn tay, bàn chân, phát ban và loét trên lưỡi của trẻ. Bệnh cũng gây sốt và trẻ có thể bị cảm lạnh. Cũng giống như sốt phan ban, bệnh thường sẽ hết trong khoảng một tuần và cha mẹ có thể dùng paracetamol dành cho trẻ em để hạ sốt.
Ban đỏ
Ban đỏ tạo ra những vùng da phát ban màu đỏ hồng, có cảm giác như giấy nhám và giống như trẻ bị cháy nắng. Bệnh thường bắt đầu với các triệu chứng như sưng lưỡi, đau họng, đau đầu và sốt. Cha mẹ cần cho trẻ gặp bác sĩ đa khoa ngay lập tức nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh ban đỏ. Trẻ sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh theo lộ trình của bác sĩ.
Bệnh sởi
Bệnh sởi thường bắt đầu với biểu hiện sốt, đau nhức mắt, nhạy cảm với ánh sáng và các nốt chấm xám bên trong má của trẻ. Sau một vài ngày, phát ban màu nâu đỏ xuất hiện trên đầu hoặc cổ và lan ra các phần còn lại của cơ thể trẻ. Nếu nghi ngờ trẻ bị bệnh sởi, cha mẹ hãy đưa trẻ tới bệnh viện càng sớm càng tốt.
Phát ban do nhiệt
Nhiệt và mồ hôi có thể gây ra các nốt đỏ nhỏ được gọi là mẩn ngứa hoặc phát ban nhiệt. Khi bị phát ban do nhiệt, trẻ sẽ bị ngứa ở các vùng da phát ban. Do vậy, cha mẹ có thể nhận thấy bé gãi. Phát ban nhiệt sẽ tự khỏi mà không cần điều trị nhưng cha mẹ hãy áp dụng các biện pháp để trẻ cảm thấy thoải mái hơn khi bị cơn ngứa tấn công bằng cách xoa nhẹ nhàng các vùng da, đeo găng tay cho trẻ...
Dị ứng
Phát ban đỏ nổi lên và ngứa có thể xuất hiện như một phản ứng dị ứng với những thứ như vết đốt côn trùng, thuốc hoặc thức ăn mà trẻ đã dùng. Dị ứng thường hết trong vòng một hoặc 2 ngày. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu trẻ tiếp tục bị dị ứng hoặc khi trẻ có vết phát ban quanh miệng để xác định chính xác nguyên nhân.
Bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu có triệu chứng xuất hiện các nốt mụn đỏ chuyển sang mụn nước và có thể gây ngứa cho trẻ. Theo diễn tiến bệnh, cuối cùng, các nốt mụn đóng vảy và rụng. Một số trẻ có ít nốt mụn, trong khi những trẻ khác có nhiều khắp cơ thể.
Hăm tã
Hăm tã cũng có thể gây phát ban cho trẻ với các mảng đỏ trên mông của bé hoặc xung quanh toàn bộ khu vực quấn tã. Da của trẻ có thể bị đau và cảm thấy nóng khi chạm vào.
Bên cạnh đó, trẻ có thể mọc mụn nước ở mông. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu hoặc đau đớn. Để giải quyết tình trạng, cha mẹ có thể mua kem trị hăm tã được bác sĩ chỉ định cho trẻ và tuân thủ phương hướng điều trị của bác sĩ.
Theo NHS.