Bí kíp giúp cha mẹ xử lý cảm lạnh, ho và nhiễm trùng tai ở trẻ nhỏ
Cảm lạnh, ho và nhiễm trùng tai là những bệnh trẻ nhỏ rất dễ mắc khi vào mùa đông. Cha mẹ có thể áp dụng những bí kíp dưới đây để giúp trẻ vượt qua các bệnh này.
Cảm lạnh ở trẻ nhỏ
Một đứa trẻ bị cảm lạnh từ 8 lần trở lên trong một năm là điều bình thường. Điều này là do có hàng trăm loại vi rút cảm lạnh khác nhau và trẻ nhỏ không có khả năng miễn dịch với bất kỳ loại vi rút nào trong số đó vì chúng chưa từng mắc loại vi rút này trước đây.
Theo thời gian, trẻ dần dần hình thành khả năng miễn dịch và ít bị cảm lạnh hơn. Hầu hết cảm lạnh sẽ thuyên giảm sau 5 đến 7 ngày nhưng có thể kéo dài đến 2 tuần ở trẻ nhỏ.
Dưới đây là một số gợi ý về cách giảm bớt các triệu chứng ở trẻ:
- Đảm bảo rằng trẻ uống nhiều nước.
- Nước muối nhỏ mũi có thể giúp làm lỏng dịch mũi và giảm nghẹt mũi. Cha mẹ hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng cho trẻ.
- Nếu trẻ bị sốt, đau hoặc khó chịu, paracetamol hoặc ibuprofen dành cho trẻ em có thể giúp ích. Trẻ em bị hen suyễn có thể không dùng được ibuprofen. Vì vậy, hãy kiểm tra với bác sĩ trước và tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
- Khuyến khích cả gia đình rửa tay thường xuyên để ngăn chặn sự lây lan của vi rút.
Các biện pháp chữa ho và cảm lạnh cho trẻ em
Trẻ em dưới 6 tuổi không nên sử dụng các loại thuốc trị ho và cảm lạnh không kê đơn, bao gồm thuốc thông mũi, trừ khi được bác sĩ hoặc dược sĩ khuyên dùng.
Ho ở trẻ nhỏ
Trẻ thường bị ho khi bị cảm vì dịch nhầy từ mũi chảy xuống phía sau cổ họng. Nếu trẻ bú, uống, ăn và thở bình thường, đồng thời, không thở khò khè, ho thì vấn đề không có gì đáng lo ngại. Mặc dù cha mẹ cảm thấy khó chịu khi nghe con mình ho, nhưng ho sẽ giúp làm sạch đờm ở ngực hoặc chất nhầy ở phía sau cổ họng trẻ.
Nếu trẻ trên 1 tuổi, cha mẹ có thể pha mật ong chanh cho trẻ giảm bớt ho. Để làm mật ong chanh nóng tại nhà, cha mẹ cần:
- Vắt nửa quả chanh vào cốc nước đun sôi
- Thêm 1 đến 2 thìa cà phê mật ong
- Uống khi nước còn ấm (không cho trẻ nhỏ uống nóng)
Nếu trẻ bị ho kéo dài hơn 3 tuần, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
Nếu trẻ bị sốt rất cao, hoặc chúng cảm thấy nóng và rùng mình, chúng có thể đã bị nhiễm trùng ngực. Cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để thăm khám.
Nếu trẻ ho là do vi khuẩn chứ không phải do vi rút, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Thuốc kháng sinh sẽ không làm dịu hoặc chấm dứt cơn ho ngay lập tức.
Nếu cơn ho tiếp tục kéo dài, đặc biệt nếu ho nặng hơn vào ban đêm hoặc khi trẻ chạy bộ, đó có thể là dấu hiệu của bệnh hen suyễn. Hãy đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra xem trẻ có bị hen suyễn hay không.
Nếu trẻ cảm thấy khó thở, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức vì trẻ sẽ cần được điều trị khẩn cấp trong bệnh viện.
Nhiễm trùng tai ở trẻ nhỏ
Nhiễm trùng tai thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh thường theo sau cảm lạnh và đôi khi gây ra sốt cao. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể gãi, kéo hoặc dụi tai. Các triệu chứng khác có thể xảy ra bao gồm sốt, khó chịu, quấy khóc, khó bú, trằn trọc vào ban đêm và ho.
Nếu trẻ bị đau tai, kèm theo hoặc không sốt, cha mẹ có thể cho trẻ dùng paracetamol hoặc ibuprofen với liều lượng như bác sĩ chỉ định để điều trị nhiễm trùng tai cho trẻ.
Hãy thử một loại thuốc trước và nếu không hiệu quả, cha mẹ có thể thử một loại thuốc khác. Cha mẹ không nên cho trẻ uống paracetamol và ibuprofen cùng lúc, trừ khi được chuyên gia y tế khuyên dùng. Ngoài ra, cha mẹ không nên đặt bất kỳ dầu, bông tai hoặc bông ngoáy tai nào vào tai của trẻ, trừ khi bác sĩ khuyên cha mẹ nên làm như vậy.
Hầu hết các bệnh nhiễm trùng tai là do vi rút gây ra, không cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Bệnh sẽ tự khỏi, thường trong vòng 3 ngày sau. Sau khi bị nhiễm trùng tai, trẻ có thể bị mất thính giác. Khả năng nghe của trẻ sẽ tốt hơn trong vòng vài tuần sau đó. Nhưng nếu vấn đề kéo dài hơn thời gian này, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết triệt để.
Theo NHS.