Bệnh còi xương: Nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng ngừa cho trẻ
Bệnh còi xương có thể ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của trẻ sau này. Chính vì vậy, cha mẹ cần nhận biết sớm các nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng ngừa bệnh cho trẻ.
Nguyên nhân nào gây ra bệnh còi xương?
Còi xương là tình trạng ảnh hưởng đến sự phát triển xương ở trẻ em. Chứng bệnh gây ra tình trạng đau nhức xương, kém phát triển và xương mềm, yếu có thể dẫn đến biến dạng xương. Người lớn có thể gặp phải tình trạng tương tự, được gọi là nhuyễn xương hoặc mềm xương.
Thiếu vitamin D hoặc canxi là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh còi xương. Vitamin D phần lớn có từ việc để da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, nhưng cũng được tìm thấy trong một số loại thực phẩm, chẳng hạn như cá nhiều dầu và trứng. Vitamin D cần thiết cho sự hình thành hệ xương chắc khỏe ở trẻ em.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, trẻ có thể sinh ra với chứng còi xương di truyền. Trẻ cũng có thể mắc bệnh nếu có một tình trạng khác ảnh hưởng đến cách cơ thể hấp thụ vitamin và khoáng chất.
Các triệu chứng của còi xương
Còi xương khiến xương của trẻ trở nên mềm và yếu, có thể dẫn đến dị dạng xương. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh còi xương có thể bao gồm:
- Xương bị ảnh hưởng bởi bệnh còi xương có thể bị đau và nhức, vì vậy trẻ có thể ngại đi bộ hoặc có thể dễ mệt mỏi, bước đi của đứa trẻ có thể trông khác (lạch bạch) so với bình thường
- Dị tật xương – dày mắt cá chân, cổ chân và đầu gối, chân vòng kiềng, xương sọ mềm và hiếm khi bị cong cột sống
- Các vấn đề về răng miệng – bao gồm men răng yếu, chậm mọc răng và tăng nguy cơ sâu răng
- Tăng trưởng và phát triển kém – nếu khung xương không tăng trưởng và phát triển đúng cách, trẻ sẽ thấp hơn mức trung bình
- Xương dễ gãy – trong trường hợp nghiêm trọng, xương trở nên yếu hơn và dễ bị gãy hơn
Một số trẻ bị còi xương cũng có thể có lượng canxi trong máu thấp (hạ canxi máu). Điều này có thể làm cho các triệu chứng của bệnh còi xương tồi tệ hơn và cũng có thể gây ra chuột rút, co giật, ngứa ran ở bàn tay và bàn chân trẻ.
Điều trị còi xương cho trẻ
Đối với hầu hết trẻ em, bệnh còi xương có thể được điều trị thành công bằng cách đảm bảo trẻ ăn đủ thức ăn có chứa canxi và vitamin D hoặc bằng cách bổ sung vitamin. Nếu trẻ gặp vấn đề trong việc hấp thụ vitamin và khoáng chất, chúng có thể cần liều bổ sung cao hơn hoặc tiêm vitamin D hàng năm.
Bác sĩ sẽ tư vấn cho cha mẹ về lượng vitamin D và canxi mà trẻ sẽ cần dùng. Điều này phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ và nguyên nhân gây ra bệnh còi xương. Ngoài ra, ánh nắng mặt trời cũng giúp cơ thể trẻ tạo ra vitamin D. Vì vậy, cha mẹ nên tăng thời gian cho trẻ ở ngoài trời, nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp tránh nắng an toàn.
Phòng ngừa còi xương cho trẻ
Có một số biện pháp cha mẹ có thể thực hiện để giúp ngăn ngừa bệnh còi xương cho trẻ Cụ thể như:
- Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng trẻ
- Dành thời gian cho trẻ ở ngoài trời nắng trong thời gian thích hợp
- Uống bổ sung vitamin D
- Trẻ sơ sinh đến 1 tuổi, bao gồm cả những trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc một phần, cần 8,5 đến 10 microgam (mcg) vitamin D mỗi ngày.
- Trẻ em từ 1 tuổi và người lớn cần 10mcg vitamin D mỗi ngày.
- Trẻ bú sữa công thức không cần bổ sung vitamin D cho đến khi trẻ nhận được ít hơn 500ml sữa công thức mỗi ngày, vì sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh được bổ sung vitamin D.
Chúc mẹ áp dụng các biện pháp phòng bệnh còi xương cho trẻ thành công.
Theo NHS.