Bé biết làm gì khi được 5 tháng tuổi?
Tương tự những tháng trước, sự phát triển của trẻ sơ sinh 5 tháng tuổi sẽ tiếp tục mang đến cho mẹ rất nhiều niềm vui bất ngờ. Trong tháng này, bé đã biết làm nũng mẹ bằng cách giơ tay ra đòi bế. Mẹ cũng sẽ cảm thấy sự ấm áp và niềm vui khi bé vòng tay ôm lấy cổ mẹ. Ngoài những điều này, bé 5 tháng tuổi còn đạt được những mốc phát triển nào khác? Mẹ ơi, cùng MamanBébé khám phá nhé!
Bước tiến của các giác quan
Đối với trẻ 5 tháng tuổi, thế giới sẽ trở nên sống động hơn với sự phát triển của vị giác và thị giác. Đây cũng là hai giác quan chính giúp bé khám phá mọi vật xung quanh khi bước vào giai đoạn này.
Bé sẽ nếm mọi thứ
Bé cưng sẽ cho mọi thứ vào miệng. Bởi miệng là nơi tập trung nhiều điểm kết thúc của dây thần kinh nhất trong cơ thể, đây sẽ là cơ quan tuyệt vời giúp bé thu nhận các cảm giác khi tiếp xúc với các đồ vật xung quanh mình. Thỉnh thoảng, mẹ cũng sẽ thấy bé liếm cả bức tường, ghế ăn hay cố cho tay, chân vào miệng.
Đây là hình ảnh thường thấy nhất về bé 5 tháng tuổi: Dường như bé muốn “nếm” và “gặm” cả thế giới
Vì đây là cách tự nhiên nhất để bé khám phá, mẹ nên để con thoải mái làm điều mình thích. Điều cần chú ý nhất trong lúc này là giữ vệ sinh cho bé bằng cách vệ sinh đồ chơi cho bé thường xuyên. Bên cạnh đó, mẹ cũng nhớ rửa chân, rửa tay cho bé bằng xà phòng và nước sạch để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn.
Thế giới mới mẻ khi thị giác phát triển
Với sự phát triển của thị giác, bé cưng đã có thể nhìn rõ những vật ở xa và nhìn được những đồ vật nhỏ. Lúc này, nhận thức về sự tồn tại của đồ vật vẫn chưa được hoàn thiện, Tuy vậy, không lâu nữa, bé sẽ hiểu rằng khi cất một đồ vật hay để nó ở vị trí mà bé không nhìn thấy, đồ vật đó vẫn tồn tại và không hề biến mất.
Bé đang tập ngồi
Hoạt động của bé trong suốt những tháng vừa qua đã giúp các cơ bắp trở nên mạnh mẽ hơn. Bé không còn xa lạ với việc nằm sấp, lật người hay lăn từ vị trí này đến vị trí khác. Bé yêu cũng đang học cách nâng người để ngồi dậy. Phần lớn các bé có thể ngồi với sự trợ giúp của một chiếc ghế đặc biệt hoặc được tựa vào lòng ba mẹ. Một số ít trẻ sơ sinh có thể ngồi vững khi được 5 tháng tuổi.
Bé nói theo cách của mình
Không chỉ bập bẹ, bé đã bắt đầu thêm rất nhiều kiểu âm thanh khác vào “ngôn ngữ” của mình. Mẹ có thể thấy bé đang “gầm gừ”, rít lên hoặc hét thật to. Bé cũng đang mê mẩn trò phun nước bọt. Những điều này sẽ được lặp đi lặp lại vì bé đang cảm thấy việc thực hành các hoạt động này thật thú vị.
Những tràng cười giòn tan
Khi mẹ thử kéo môi, hóp má hay chơi ú òa cùng con, bé đã có thể bật ra những tràng cười khanh khách. Các tháng trước, bé sẽ chỉ cười mỉm mà chưa tạo ra được chuỗi âm thanh giòn giã đáng yêu này. Có thể bé cũng đang cố gắng chọc cười mẹ đấy. Mẹ có thấy con đáng yêu đến mức khó tả không?
Giấc ngủ xuyên đêm
Nếu như ở giai đoạn 2, 3 tháng tuổi, giấc ngủ liền mạch khoảng 4-5 giờ mỗi đêm đã được xem là ngủ xuyên đêm, khi bé đã được 5 tháng, những bà mẹ đã cai sữa đêm sẽ có thể mau chóng tìm được giấc ngủ như trước khi mang thai. Lúc này, bé đã có thể ngủ liền mạch 7-8 giờ hoặc nhiều hơn. Bên cạnh giấc đêm, bé cũng vẫn cần 1 đến 2 giấc ngủ ngày vào buổi sáng và trưa.
Cách chăm sóc trẻ 5 tháng tuổi mẹ cần biết
Để giúp con vượt qua các mốc phát triển mới, mẹ nên áp dụng những mẹo dưới đây:
+ Giúp bé tập ngồi bằng cách kéo hai chân bé thành hình chữ V. Tư thế này giúp bé giữ thăng bằng tốt hơn. Mẹ có thể để nhiều đồ chơi ở trước mặt bé để giúp bé tập trung ngồi lâu hơn. Lúc con đang tập ngồi, mẹ nên ở cạnh bé để kịp giúp khi bé nghiêng ngả hoặc ngã xuống.
+ Mẹ đặt một món đồ chơi vào tay bé. Sau đó, đặt đồ chơi vào tay còn lại. Không lâu sau, bé sẽ học được cách chuyền đồ chơi từ tay này sang tay kia.
+ Nhẹ nhàng đung đưa bé theo chiều lên-xuống, trái-phải giúp bé làm quen với việc giữ thăng bằng. Đây là bước chuẩn bị cho để bé tập bò.
+ Trò chơi thích hợp với bé 5 tháng: Ú òa là “ứng cử viên” số 1 trong các lựa chọn trò chơi cho bé ở lứa tuổi này.
Với bé 5 tháng tuổi, việc ăn, ngủ, chơi vẫn là các hoạt động chính. Đây cũng là lúc nửa năm đầu tiên khép lại để cả mẹ và bé tiếp tục hướng đến những bước phát triển mới. Để bé phát triển tốt, mẹ sẽ là “đầu tàu” không thể thiếu để giúp con hình thành thói quen sinh hoạt đúng giờ, học cách khám phá vạn vật quanh mình.