4 điều cha mẹ có thể làm để việc tiêm phòng cúm của trẻ hiệu quả hơn
Với mùa lạnh và mùa cúm đang đến gần, điều quan trọng là cha mẹ cần phải biết nên làm những gì để ngăn ngừa trẻ mắc bệnh. Dưới đây là cách để việc tiêm phòng cúm cho trẻ đạt hiệu quả nhất.
Lợi ích của việc tiêm phòng cúm
Không cha mẹ nào thích con bị ốm. Không mắc bệnh cúm có thể giúp cha mẹ tiết kiệm thời gian và công sức đưa trẻ đến phòng khám hoặc bệnh viện để khám cúm. Tiêm phòng cúm có thể làm giảm việc mắc và lây truyền bệnh cúm cho những người có nguy cơ cao, như trẻ em, người lớn trong độ tuổi lao động và người cao tuổi.
Tiêm phòng cúm cũng giúp bảo vệ bà bầu trong và sau khi mang thai. Để có thêm động lực, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiêm phòng có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ngay cả khi bản thân bị cúm.
Ai nên tiêm phòng cúm
CDC (Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ) khuyến cáo rằng bất cứ trẻ sơ sinh nào trên 6 tháng tuổi nên chích ngừa cúm mỗi năm. Tiêm phòng cúm đặc biệt quan trọng với người có nguy cơ cao mắc các biến chứng liên quan đến cúm, chẳng hạn như người lớn từ 65 tuổi trở lên và những người mắc bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh tim và tiểu đường.
Thậm chí có nhiều loại vắc-xin cúm khác nhau được phê duyệt đặc biệt cho trẻ em từ 6 tháng tuổi và người lớn trên 65 tuổi. Hãy xin ý kiến của bác sĩ để tìm hiểu thêm phương thức phòng bệnh phù hợp nhất cho trẻ nhà mình.
4 điều cha mẹ có thể làm để việc tiêm phòng cúm của trẻ hiệu quả hơn
Hãy thực hiện những lời khuyên dưới đây của chuyên gia, cha mẹ nhé:
Đúng lúc
Khi mùa hè chuyển sang mùa thu, việc tiêm phòng cúm kịp thời là rất quan trọng. CDC khuyến cáo cha mẹ nên tiêm phòng cúm cho trẻ vào cuối tháng 10 để có hiệu quả cao nhất.
Nhưng tại sao thời gian lại quan trọng như vậy? Phải mất khoảng hai tuần kể từ khi nhận vắc xin cúm, cơ thể mới phát triển đủ kháng thể để bảo vệ trẻ khỏi bệnh cúm. Nếu trẻ được tiêm quá muộn, cơ thể có thể không có đủ thời gian để phát triển kháng thể bảo vệ cơ thể.
Ngủ đủ giấc
Một cách khác để đảm bảo hệ thống miễn dịch của trẻ luôn hoạt động tốt nhất và tận dụng tối đa hiệu quả của việc tiêm phòng cúm là ngủ thật nhiều. Theo các bác sĩ, những người không ngủ đủ giấc có nguy cơ bị cảm lạnh cao hơn gấp ba lần so với những người ngủ hơn bảy giờ một đêm.
Một nghiên cứu trên Tạp chí Quốc tế về Y học Hành vi con người cho thấy, những trẻ không ngủ hơn 5 giờ mỗi đêm trước khi tiêm phòng cúm khiến vắc-xin chỉ có hiệu quả bằng một nửa những trẻ ngủ đủ giấc.
Có thể giải thích rằng hệ thống miễn dịch của trẻ tự sửa chữa và xây dựng trong khi trẻ ngủ. Vì vậy, hệ thống ít sử dụng vắc-xin để thiết lập hàng rào bảo vệ như mong muốn khi trẻ không ngủ đủ.
Tập thể dục
Tập thể dục nhiều là một cách khác để đảm bảo cơ thể trẻ khỏe mạnh và sẵn sàng cho việc chủng ngừa cúm. Giữ thể chất và duy trì cân nặng hợp lý có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính, vốn có thể khiến trẻ dễ bị các biến chứng của bệnh cúm.
Ngoài ra, một nghiên cứu trên Tạp chí của Hiệp hội Lão khoa Hoa Kỳ cho thấy tập thể dục thường xuyên đã cải thiện phản ứng của trẻ với vắc xin cúm trong một thử nghiệm kéo dài 10 tháng.
Giữ cho đường ruột của trẻ khỏe mạnh
Mặc dù không có loại thực phẩm nào cung cấp cho trẻ khả năng tăng cường miễn dịch ngay lập tức, nhưng ăn một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
Thực phẩm cụ thể, đặc biệt là chế phẩm sinh học, có thể đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ cho trẻ khỏe mạnh và có thể chống lại tác nhân bên ngoài.
Hãy cho trẻ ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, sữa chua và thực phẩm lên men, như kim chi và dưa cải bắp (khi trẻ lớn), để giữ cho cơ thể trẻ được nuôi dưỡng đúng cách và tận dụng tối đa vắc-xin cúm.
Bên cạnh đó, phải giữ tay sạch sẽ và tránh để trẻ đưa tay lên mặt, đặc biệt là khi trẻ ở nơi công cộng. Thường xuyên rửa tay và khử trùng các bề mặt tiếp xúc nhiều có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan của bất kỳ bệnh nào, bao gồm cả bệnh cúm theo mùa.
Theo Parents.