11 câu hỏi phụ nữ nên hỏi bác sĩ nếu muốn có thai sớm (Phần 1)
Để tăng tỷ lệ mang thai và có thai kỳ khỏe mạnh, hãy hỏi 11 câu hỏi quan trọng dưới đây trong lần khám định kỳ với bác sĩ sản khoa mẹ nhé.
Quyết định có con là một quyết định quan trọng. Các chuyên gia khuyên mọi phụ nữ nên đến bệnh viện hoặc cơ sở chăm sóc sức khỏe một vài tháng trước khi cố gắng thụ thai.
Trong chuyến thăm này, bác sĩ sẽ đánh giá tiền sử sức khỏe, đánh giá bất kỳ mối quan tâm y tế nào và cho mẹ lời khuyên để hình thành một thai kỳ khỏe mạnh. Dưới đây là 11 câu hỏi mọi phụ nữ nên hỏi bác sĩ nếu muốn có thai sớm và mang thai an toàn.
Mất bao lâu để có thai?
Tất nhiên, bác sĩ không thể dự đoán chính xác khi nào mẹ sẽ thụ thai. Một số cặp vợ chồng có thai ngay lần thử đầu tiên, trong khi những người khác thụ thai sau nhiều năm kết hôn. Nhưng bác sĩ có thể có một số dự đoán chung dựa trên tuổi, lịch sử sức khỏe và kinh nghiệm thụ thai trong quá khứ.
Khi nào nên ngừng kiểm soát sinh sản?
Phần lớn phụ nữ không thể luôn có thai ngay sau khi ngừng kiểm soát sinh sản. Chẳng hạn, thuốc tránh thai nội tiết tố có thể làm thay đổi chu kỳ rụng trứng trong vài tháng sau khi mẹ dừng thuốc.
Tình trạng sức khỏe sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của mẹ?
Một số tình trạng y tế có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai của mẹ. Chúng bao gồm hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), lạc nội mạc tử cung, rối loạn tuyến giáp và thậm chí STDs.
Và không chỉ riêng bản thân mẹ, sức khỏe của ông xã cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Các vấn đề về số lượng tinh trùng, khả năng vận động hoặc hình thái có thể làm cho việc thụ thai trở nên khó khăn. Bác sĩ là người tốt nhất để đánh giá tình hình và đưa ra giải pháp.
Một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc trị huyết áp cao và động kinh, có thể làm giảm khả năng thụ thai. Hơn nữa, một số loại thuốc kê đơn và không kê đơn có thể gây hại cho em bé sau khi bạn mang thai (ví dụ: NSAID, Steroid, một số thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần và thuốc tuyến giáp). Xem xét tác động của thuốc với bác sĩ để quyết định ngừng thuốc hoặc chuyển sang lại thuốc khác.
Có nên uống vitamin bổ sung?
Các bà mẹ tương lai nên bắt đầu bổ sung Axit Folic từ 3 đến 6 tháng trước khi cố gắng thụ thai. Axit Folic làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh và một số dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Bác sĩ cũng có thể khuyên mẹ dùng vitamin trước khi sinh đặc biệt nếu mẹ thiếu một chất dinh dưỡng nhất định.
Tại sao mẹ không thể thụ thai?
Nếu đã cố gắng thụ thai trong một năm mà không có kết quả (hoặc 6 tháng nếu trên 35 tuổi), phụ nữ có khả năng đối mặt với nguy cơ vô sinh.
Bác sĩ sẽ đánh giá sức khỏe của cả vợ và chồng để xác định nguyên nhân gây vô sinh, sau đó các phương pháp chữa vô sinh bằng thuốc hoặc bằng cách điều trị các bệnh tiềm ẩn sẽ được thiết lập.
(Còn tiếp)
Theo Parents